Multimedia Đọc Báo in

Thăm những vùng đồi bạc tỷ

09:18, 30/12/2016
Dọc Quốc lộ 26, đoạn từ trung tâm huyện M’Đrắk đến chân đèo Phượng Hoàng, đâu cũng bắt gặp màu xanh ngút của rừng keo, phủ kín những vùng đồi trọc trước đây.

Đất không phụ người

Nằm trên địa phận 2 hai xã Ea Riêng và Ea H’Mlay, trang trại tổng hợp của gia đình ông Lê Phạm Mạnh (thôn 18, xã Ea Riêng) là một trong những mô hình kinh tế đáng mơ ước của không ít người. Với 120 ha rừng keo, 1,5 ha cà phê, 0,7 ha ao cá, 2 ha gỗ sao, mỗi năm gia đình ông thu nhập hàng tỷ đồng. Ông Mạnh cho hay, diện tích cà phê và ao cá dù cho thu nhập đều, nhưng cũng chỉ “lấy ngắn nuôi dài”. Đáng kể phải tính đến 120 ha gỗ keo đã và đang cho thu hoạch từ nay đến hết năm 2019. Với giá hiện hành, sau khi trừ chi phí, mỗi ha keo cho thu nhập 80 triệu đồng, thì từ nay đến hết năm 2019, ông Mạnh sẽ có trong tay gần 10 tỷ đồng. Cùng với đó, 2 ha gỗ sao đen đã trồng được 10 năm cũng sẽ mang về bạc tỷ sau khi thu hoạch trong vài năm nữa.

Diện tích đất không lớn như gia đình ông Mạnh, nhưng hộ ông Bùi Văn Tý (thôn 5, xã Cư Króa) cũng có thu nhập bạc tỷ mỗi năm nhờ đa dạng hóa các loại cây trồng trong vườn đồi của mình. Ông đã mua chiếc xe ôtô 7 chỗ từ tiền thu hoạch 10 ha keo. Ngoài trồng keo, gia đình ông còn có 5 ha cây cao su và 1 ha cam, quýt đang cho thu hoạch. Tận dụng diện tích vườn đồi, ông Tý còn nuôi thêm bò để vừa lấy phân bón, vừa có thêm thu nhập từ chăn nuôi.

Ông Lê Phạm Mạnh thu hoạch cà phê trong trang trại của mình
Ông Lê Phạm Mạnh thu hoạch cà phê trong trang trại của mình.

Phó Chủ tịch UBND xã Cư Króa Trần Tiến Ngôn chia sẻ, cách đây 7-8 năm, Cư Króa là xã “nghèo có tiếng”, bởi đất đai ở đây trồng cây gì cũng không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nay, nhờ phát triển vườn rừng, nhất là cây keo mà diện mạo của xã đang đổi thay từng ngày. Điều lạ là, đất Cư Króa tuy khó trồng cây, nhưng lại rất hợp với cây keo; sản phẩm keo từ xã mang bán bao giờ giá cũng cao hơn những vùng khác trong huyện. Bởi thế nên tổng thu nhập của toàn xã trong năm 2016 đã lên đến trên 77 tỷ đồng. Những rừng keo, những trang trại tổng hợp như gia đình ông Mạnh, ông Tý đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở M’Đrắk, dường như đang thổi một sinh khí mới cho những tấc đất cằn nơi đây.

Hướng phát triển bền vững

Với tiềm năng lớn và hướng đi phù hợp, những mô hình kinh tế hiện có đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và nhất là khai thác hết tiềm năng của vùng đất này cần có những giải pháp phù hợp. Chẳng hạn đối với kinh tế rừng, toàn huyện M’Đrắk hiện có trên 20 nghìn ha rừng keo, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của Nhà máy dăm mảnh HTX Tiến Nam. Phó Giám đốc Nhà máy Nguyễn Văn Huệ cho biết, với công suất thiết kế 60 nghìn tấn/năm và nhất là đầu ra ổn định (nhập nguyên liệu giấy cho Công ty Cổ phần Codona - Đồng Nai và Công ty TNHH Đức Hải - Bình Định) nên diện tích keo trên chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu của nhà máy. Hiện nay, Nhà máy dăm mảnh HTX Tiến Nam đang phải nhập keo nguyên liệu từ nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Do vậy, “dư địa” cho việc mở rộng diện tích rừng keo trong những năm tới của huyện M’Đrắk đang còn rất lớn. Cũng trên diện tích rừng có sẵn, nhiều hộ gia đình đang phát triển theo hướng trang trại tổng hợp như nuôi ong dưới tán rừng tràm, chăn thả gia súc lớn… cũng đang mở ra nhiều triển vọng.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện về phát triển kinh tế rừng, vườn đồi kết hợp với chăn nuôi, nhiều mô hình trang trại tổng hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những mô hình ấy đã và đang được nhân rộng, góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận nhân dân, làm cho bộ mặt nông thôn huyện M'Đrắk thêm nhiều đổi mới.

Quốc Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.