Vườn Quốc gia Yok Đôn và nỗi ám ảnh mùa khô
Cứ hễ vào mùa khô, Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn lại phải “oằn mình” chống chọi với tình trạng lâm tặc vào rừng khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã.
Khổ với… mùa khô
Đã đi thực tế trong Vườn nhiều lần, tôi thấu hiểu nỗi khổ của những người bảo vệ rừng ở đây. Vào mùa này, những cánh rừng khộp bắt đầu rụng lá, các cây bụi chết khô cộng địa hình tương đối bằng phẳng nên phương tiện và người có thể dễ dàng len lỏi vào mọi ngõ ngách của rừng. Thêm vào đó, Vườn có khoảng 300 km chiều dài tiếp giáp với các khu dân cư, đường giao thông; các khu rừng đã chuyển đổi mục đích, vùng đệm rộng tiếp giáp với 7 xã, 90 thôn, buôn, khoảng 50.000 nhân khẩu, trong đó có buôn Đrang Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) sống trong vùng lõi. Đời sống người dân ở khu vực này còn nhiều khó khăn, thu nhập phụ thuộc rất lớn vào rừng. Vào mùa khô, phần lớn cư dân xung quanh rừng đang ở thời điểm nông nhàn nên một bộ phận tranh thủ vào rừng khai thác lâm sản, săn bắt động vật trái phép để kiếm thêm thu nhập; một số khác thì nhận đi làm thuê cho các đầu nậu gỗ trong vùng.
Tuần tra bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Yok Đôn. |
Trước đây, lâm tặc chủ yếu sử dụng các phương tiện xe máy, xe đạp độ chế để vào rừng vận chuyển gỗ, nay chúng còn thuê người gùi gỗ ra khỏi rừng. Hình thức vận chuyển này rất khó phát hiện bởi người mang gỗ có thể chui lủi, luồn lách ở mọi vị trí trong rừng mà không gây tiếng động và không để lại dấu vết nên gây không ít khó khăn cho lực lượng giữ rừng.
Để đối phó với tình hình trên, lực lượng kiểm lâm vườn phải huy động tối đa lực lượng chốt chặn các khu vực người dân thường xuyên ra vào, những khu vực có nhiều cây gỗ quý để kiểm tra, ngăn chặn. "Ở Vườn chỉ giải quyết phép cho cán bộ nhân viên trong mùa mưa, còn mùa khô thì phải túc trực 100% quân số, chỉ trong những trường hợp bất khả kháng mới được nghỉ”, ông Nguyễn Tuấn Linh, Phó Giám đốc Vườn cho hay.
Một nỗi ám ảnh khác trong mùa khô đối với kiểm lâm VQG Yok Đôn là tình trạng thiếu nước ăn, nước sinh hoạt. Thời kỳ đỉnh điểm của mùa khô, các sông suối chảy trong Vườn đều khô kiệt; những bể dự trữ nước mưa ở các trạm, chốt bảo vệ rừng không đáp ứng nhu cầu sử dụng. Một số trạm phải mua nước lọc đóng bình để nấu ăn, còn tắm thì phải dùng nước đọng lại ở các vũng của sông suối. “Dùng nước này tắm xong ngứa ngáy khắp người, nhưng dưới cái nắng như chảo rang của rừng khộp mùa khô, có nước mà dùng là may mắn lắm rồi”- anh Phan Bá Hoàn, kiểm lâm Vườn kể.
Luôn đối mặt với sự táo tợn của lâm tặc
Giám đốc VQG Yok Đôn Đỗ Quang Tùng cho biết, theo quy định đối với rừng đặc dụng trung bình một kiểm lâm được giao quản lý, bảo vệ 500 ha rừng, nhưng với đặc thù địa hình bằng phẳng và tiếp giáp với nhiều khu vực dân cư, lâm tặc có thể xâm nhập mọi lúc, mọi nơi nên một kiểm lâm quản lý chừng đó diện tích rừng là quá sức. Do đó, Vườn đang kiến nghị các ngành chức năng cần xem xét tăng lên mức 2 kiểm lâm/500 ha rừng để quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn.
Xe độ chế của lâm tặc bị thu giữ tại Vườn Quốc gia Yok Đôn. |
Ông
Đỗ Quang Tùng,
Giám đốc VQG Yok Đôn.
|
Những ngày lễ, tết thì hầu như lực lượng kiểm lâm không được nghỉ vì đây là thời điểm lâm tặc “canh me” nhiều nhất, nên phải túc trực, nếu lơ là cảnh giác sẽ mất rừng. Việc thắt chặt an ninh rừng của Vườn đã khiến “nguồn thu” của lâm tặc, đầu nậu gỗ bị ảnh hưởng nên chúng sẵn sàng chống đối kiểm lâm để cướp gỗ, phương tiện. Điển hình vào ngày 1-11-2016, lực lượng kiểm lâm Vườn khi tuần tra tại Tiểu khu 456 phát hiện 5 đối tượng đang dùng cưa xăng xẻ một gốc gỗ hương (nhóm IIA). Khi tổ tuần tra ra lệnh yêu cầu các đối tượng giữ nguyên hiện trường để xử lý theo quy định, nhóm đối tượng không chấp hành mà bỏ cưa trốn vào rừng. Một lúc sau, 4 đối tượng đi trên 2 xe máy mang theo mã tấu đến tấn công lực lượng kiểm lâm để cướp lại cưa. Hậu quả làm một kiểm lâm bị thương ở vai, trước khi rời khỏi hiện trường, chúng còn cắt thủng 2 lốp xe máy của kiểm lâm.
Không chỉ dùng vũ lực, các đối tượng lâm tặc còn thường xuyên gọi điện đe dọa, uy hiếp tinh thần. Đặc biệt, lâm tặc thường đưa thông tin về con cái, gia đình lực lượng kiểm lâm để tạo áp lực với họ. Ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc VQG Yok Đôn cho biết, trước tình trạng này đơn vị đã làm việc với lực lượng chức năng địa phương, cung cấp thông tin về các hành vi chống người thi hành công vụ, nhắn tin đe dọa để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc