Xây dựng nông thôn mới ở xã vùng III Cư Prông: "Nút thắt" là tiêu chí giao thông
Mặc dù được quan tâm, đầu tư và thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, nhưng chặng đường xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã vùng III Cư Prông (huyện Ea Kar) vẫn còn nhiều khó khăn, “nút thắt” cần tháo gỡ, trong đó nan giải nhất là tiêu chí giao thông.
Giao thông cách trở
Hiện nay các tuyến đường ở xã Cư Prông đã bị xuống cấp, hư hỏng, chưa được đầu tư. Toàn xã có khoảng 145 km đường giao thông các loại gồm 30 km đường liên xã, 40 km đường liên thôn, 50 km đường nội thôn và 25 km đường nội đồng. Trong đó, chỉ có 15 km đường liên xã Ea Tyh – Cư Prông đã được nhựa hóa nhưng hiện đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Còn lại các tuyến khác trên địa bàn xã đều là đường đất, thường bị lầy lội vào mùa mưa. Do đó, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân hết sức khó khăn. Vì thế, chi phí vận chuyển phân bón, nông sản của người dân nơi đây đội lên rất nhiều so với các địa phương vùng lân cận có giao thông thuận lợi.
Hố nước sâu trên mặt đường liên xã Cư Prông - Ea Tyh. |
Theo Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM, để đạt tiêu chí số 2 về giao thông, các xã của vùng Tây Nguyên phải đáp ứng các yêu cầu: 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT; 70% đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT; 50% đường ngõ, xóm được cứng hóa; 70% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Theo quy định này, giai đoạn 2010-2015, xã Cư Prông chưa đạt một nội dung nào về tiêu chí giao thông.
Khó chồng thêm khó, mới đây trong đợt mưa lớn kéo dài vào những ngày đầu tháng 12, con đường từ trung tâm xã đến buôn M’Um bị sạt lở, chia cắt, cô lập 121 hộ dân thuộc thôn 11 và buôn M’Um. Những ngày nước lớn, các cháu học sinh phải nghỉ học, nhu yếu phẩm hằng ngày phải bỏ vào túi ni lông chuyền dây đưa sang. Còn những ngày nước cạn, các cháu phải gửi xe phía bên kia đường, lội qua đoạn chia cắt để đến trường. Hiện tại huyện đang tiến hành lắp rọ đá và san lấp mặt đường để bà con đi lại, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Giao thông khó khăn, cách trở, trong khi xã vẫn chưa có chợ trung tâm nên việc trao đổi, mua bán hàng hóa phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Mỗi lần cần mua sắm các loại thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, phải đi hàng chục cây số ra chợ Ea Tyh hoặc đi theo hướng xã Ea Pal ra thị trấn Ea Knốp, rất tốn kém và mất thời gian. Còn các mặt hàng nông sản, hoa màu làm ra chỉ trao đổi nội vùng, thường bị tư thương ép giá.
Khó huy động sức dân
Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, chiếm 42,65% trong tổng số hộ dân, còn hộ cận nghèo chiếm hơn 27%, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc huy động đóng góp trong dân để xây dựng cơ sở hạ tầng gặp khó khăn. Qua 5 năm xây dựng NTM, trong tổng vốn huy động của toàn xã là 58,6 tỷ đồng thì vốn ngân sách chiếm 41,5 tỷ đồng (gần 71%), còn vốn trong dân chỉ được 5,5 tỷ đồng (bằng 9,4%). Còn năm 2016, tổng số vốn đầu tư trên địa bàn thực hiện mục tiêu xây dựng NTM hơn 8,2 tỷ, vốn của dân hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn này một phần nhỏ gồm 148 triệu đồng chi hỗ trợ sản xuất, còn lại để xây dựng nhà ở của các hộ dân, vốn để làm các công trình hạ tầng công cộng hầu như không có. Năm 2017, nhu cầu để xây dựng cơ sở hạ tầng trong chương trình NTM của địa phương ước khoảng 51 tỷ đồng, trong đó, cơ sở trường học cần 16 tỷ; thủy lợi cần 15 tỷ; giao thông và điện, mỗi tiêu chí cần khoảng 10 tỷ đồng.
Ông Nhữ Ngọc Tuyến, Chủ tịch UBND xã Cư Prông cho biết, nhu cầu vốn để thực hiện các tiêu chí NTM hằng năm của địa phương rất lớn, trong khi nguồn vốn phân cấp hằng năm từ ngân sách và các chương trình hỗ trợ của Chính phủ thì có hạn. Mặc dù đã có nhiều giải pháp huy động nội lực, nhưng Cư Prông là xã vùng III, đồng bào DTTS chiếm gần 80% dân số nên việc đóng góp tiền mặt rất khó khăn, có chăng chỉ là tham gia ngày công, hiến đất để xây dựng các công trình công cộng như đường giao thông, nhà văn hóa cộng đồng.
Cũng theo ông Tuyến, vấn đề cốt lõi hiện nay, xã cần có cơ chế đặc thù, được hỗ trợ kinh phí đầu tư tuyến đường chính đến trung tâm xã kết nối với các vùng lân cận, từ đó, các cây trồng chủ lực như mía, mì và mặt hàng nông sản của bà con mới có đầu ra. Về phía địa phương sẽ khuyến khích người dân áp dụng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống. Qua đó, huy động nhân dân chung tay xây dựng NTM, sớm đưa Cư Prông thoát khỏi xã vùng III.
Tính đến nay, Cư Prông mới hoàn thành 5/19 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới gồm: quy hoạch (tiêu chí số 1), bưu điện (tiêu chí số 8), tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên (tiêu chí số 12), giáo dục (tiêu chí số 14) và y tế (tiêu chí số 15). |
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc