Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp

10:49, 09/01/2017

Nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp có tính ứng dụng cao đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tìm giống và kỹ thuật sản xuất mới

Trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đội ngũ những nhà khoa học ở Đắk Lắk đã dành nhiều tâm huyết đối với nông nghiệp. Về lĩnh vực trồng trọt, đã nghiên cứu, tuyển chọn và sản xuất giống lúa lai hai dòng TH3-3, TH 3-5, TH3-7, xây dựng quy trình sản xuất lúa xác nhận, lúa lai thương phẩm đạt năng suất 8,5 tấn/ha. Đối với cây lâu năm, nghiên cứu quy trình thâm canh tổng hợp phân bón hữu cơ vi sinh và sản phẩm siêu hấp thụ nước cho cây tiêu, chuyển giao giống cây mắc ca tại huyện Krông Năng và Krông Ana; trồng bơ trái vụ xen canh trong vườn cà phê, ca cao tại Cư Kuin, Cư M’gar và Krông Năng; trồng thanh long ruột đỏ, me Thái Lan tại Buôn Đôn, cà chua và hoa lan bằng giống nuôi cấy mô tại Cư M’gar. Về chăn nuôi, đã lai tạo thành công và đưa vào nuôi thương phẩm giống F1 giữa lợn đực rừng và cái Sóc Tây Nguyên; chuyển giao kỹ thuật nuôi chim công, gà Đông Tảo, cá chạch bùn… Đối với chương trình công nghệ sinh học trong nông nghiệp, đã ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất cây giống, sản xuất các tổ hợp men và vi sinh vật để xử lý phế phẩm nông nghiệp và áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Hoa lan bằng giống nuôi cấy mô được trồng tại thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar.
Hoa lan bằng giống nuôi cấy mô được trồng tại thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar.

Tại Hội thảo khoa học "Nâng cao hiệu quả việc chuyển giao, ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn" do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột đầu tháng 9-2016, các nhà khoa học đánh giá cao những công trình nghiên cứu đã được ứng dụng, chuyển giao cho người dân vùng sâu vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điển hình như mô hình nuôi cá hồi vân thương phẩm tại huyện Krông Bông; các giống lúa lai SYN6, đậu tương HL203, lạc GV3, măng tây trên đất xám bạc màu của huyện Krông Bông, Ea Kar hay mô hình sản xuất và nuôi thương phẩm cá thát lát tại Krông Ana, Ea Kar.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Phạm Thế Trịnh (Sở Khoa học và Công nghệ), nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu đã phát huy hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa nông sản.

Nhân rộng những mô hình

Một trong những đề tài mang lại hiệu quả trong nông nghiệp là “Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển cây Hồng hoa trên địa bàn Đắk Lắk” triển khai từ tháng 5-2014, do Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã đưa giống cây này từ Hải Phòng về trồng thử nghiệm tại TP. Buôn Ma Thuột và huyện Buôn Đôn với diện tích hơn 3 ha. Loại cây mới này sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất 13 – 14 tấn quả tươi/ha và 15 – 20 tấn/ha tùy vùng đất. Từ thành công của 2 mô hình thí điểm, loại cây này hiện đã được trồng phổ biến với diện tích lên đến hàng trăm ha, trở thành cây thoát nghèo cho nhiều người dân ở Buôn Đôn, Ea Súp, M’Đrắk, Cư M’gar và Ea H’leo.

Nông dân huyện Ea Kar tham quan mô hình trồng ngô chất lượng cao tại xã Cư Huê.
Nông dân huyện Ea Kar tham quan mô hình trồng ngô chất lượng cao tại xã Cư Huê.

Trước nguy cơ tuyệt chủng cây thủy tùng, từ năm 2007 đến nay, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã thực hiện 2 đề đề tài khoa học gồm “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái và nhân giống làm cơ sở bảo tồn loài thủy tùng” và “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây thủy tùng tại Đắk Lắk”. Các đề tài này đã nhân giống cây thủy tùng thành công bằng phương pháp ghép chồi và đưa vào trồng dưới tán rừng, tại các vùng thủy cấp khác nhau tại huyện Ea H’leo, Krông Năng, Krông Pắc, Lắk và TP. Buôn Ma Thuột với tỷ lệ sống đạt hơn 61,5%. Từ kết quả của các đề tài, cây thủy tùng đã được trồng đại trà ở nhiều địa phương, mở ra triển vọng rất lớn trong việc bảo tồn giống cây quý này.

Nhằm xây dựng và nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác cây tiêu, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai Dự án xây dựng “Mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho cây hồ tiêu” tại huyện Krông Bông, Krông Búk và Buôn Đôn. Theo đó, đã lắp đặt 3 mô hình hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, phục vụ tưới cho 6 ha tiêu, tổng kinh phí đầu tư hơn 400 triệu đồng. Sau khi đưa vào sử dụng cho thấy hệ thống này vận hành đơn giản, tiết kiệm 40% lượng nước so với phương pháp tưới truyền thống, góp phần tăng năng suất và giảm đáng kể chi phí sản xuất.

Ông Y Ghi Niê, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, bên cạnh những nghiên cứu, đóng góp của các nhà khoa học thì Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn và sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất; đồng thời ưu tiên phát triển công nghệ sinh học trong sản xuất cây giống, xử lý chất thải chăn nuôi nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.   

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.