Multimedia Đọc Báo in

"Khoảng lặng" mùa thu hoạch cà phê

08:50, 02/01/2017

Đợt thu hoạch cà phê niên vụ 2016 – 2017 sắp kết thúc với niềm vui là giá cà phê đang đạt mốc cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những “khoảng lặng”.

Những ngày gần đây, giá thu mua cà phê tại Đắk Lắk đạt mức cao, với mức 44.900 đồng/kg cà phê nhân xô. Cà phê được giá, người dân chọn cách thu hoạch tới đâu bán tới đó chứ không tích trữ hàng vì lo thời gian tới giá sẽ hạ. Ông Vũ Văn Hiền ở xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn có 1,2 ha cà phê hiện đã thu hoạch xong và bán giá 44,5 triệu đồng/tấn, cao hơn 1 triệu đồng/tấn so với năm trước. Tại các đại lý thu mua cà phê, sản lượng thu mua cao hơn những năm trước, đặc biệt, nhiều người bán luôn cà phê tươi với giá 10.000 đồng/kg.

Nông dân xã Ea Knuêk, huyện Krông Pắc thu hoạch cà phê.
Nông dân xã Ea Knuêk, huyện Krông Pắc thu hoạch cà phê.

Bên cạnh niềm vui được giá, người làm cà phê vẫn trĩu nặng nỗi lo về việc cà phê giảm năng suất, chất lượng do ảnh hưởng của hạn hán. Dù chưa kết thúc thu hái, nhưng các nhà chuyên môn khẳng định, đây là năm thứ 4 liên tiếp cây cà phê Đắk Lắk mất mùa. Cụ thể, đợt hạn hán kéo dài trong mùa khô năm 2016 đã khiến 45.610 ha cà phê bị ảnh hưởng, trong đó, 4.984 ha mất trắng, năng suất cà phê trên địa bàn toàn tỉnh giảm bình quân 10 - 20% so với năm ngoái. Anh Trần Đăng Quyết, buôn Ea Nhái, xã Ea Knuêk, huyện Krông Pắc cho biết, gia đình anh trồng gần 2,5 ha cà phê, vụ trước thu được 6 tấn, nhưng vụ này chỉ đạt khoảng gần 4 tấn, nhân thì nhỏ, không đều. Nguyên nhân cà phê mất mùa là do đợt hạn hán khốc liệt kéo dài vừa qua khiến lượng nước không đủ, anh chỉ tưới được 3 đợt, sau đó, mưa kéo dài liên tục dẫn đến sâu bệnh.

Cà phê quả nhỏ, sản lượng nhân thấp, người trồng cà phê bán quả tươi hoặc phơi khô rồi bán luôn chứ không chờ xay để bán nhân. Tuy nhiên, người dân lại thêm nỗi khổ nữa là thời gian qua, mưa liên tục khiến tiến độ thu hái chậm, tốn công hơn; đặc biệt, việc phơi gặp rất nhiều khó khăn. Gia đình chị Ngô Thị Thảo, khối 6, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột có 2 ha cà phê đã thu hoạch xong chở về nhà từ đầu tháng 12. Sân nhỏ, không đủ rải cà phê thành lớp mỏng ra phơi, chị phải phơi rất dày, hơn 10 ngày sau, cà phê bị mốc. Trước nguy cơ cà phê giảm chất lượng nhân, chị phải mua thêm bạt trải phơi nhờ sân nhà hàng xóm và thuê thêm người phơi cho nhanh để chở đi sấy.

Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, hiện cà phê đã thu hái đạt khoảng 2/3 tổng diện tích; để tránh thiệt hại do mưa, người dân nếu không bán cà phê tươi thì phải phơi đúng cách để tránh tình trạng cà phê bị lên men, mốc, tốt nhất là phơi trên sân bê tông có mái che, nếu phơi sân đất phải dùng bạt ni lông, phơi mỏng, làm luống và đảo liên tục để cà phê không bị ẩm. 

Theo số liệu của UBND tỉnh, diện tích cà phê của tỉnh niên vụ 2016 – 2017 dự kiến 199.801 ha, giảm 199 ha so với niên vụ 2015 – 2016. Trong niên vụ này, địa phương không phát triển diện tích cà phê ngoài quy hoạch, tập trung tái canh cà phê, nâng cao năng suất, chất lượng cà phê nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu với khối lượng 230.000 tấn, trong đó, năm 2016: 65.000 tấn, 2017: 165.000 tấn.

 

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.