Multimedia Đọc Báo in

Lãi suất giảm, tiền gửi vẫn tăng mạnh

10:01, 17/01/2017

Mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh, nhưng hiện nay tiền gửi khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, lãi suất huy động VNĐ phổ biến của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh hiện ở mức 0,5% - 1,0%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5% – 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4% - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng. Mức lãi suất huy động như trên đã giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2015, tính đến hết năm 2016, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng được 34.145 tỷ đồng; tăng 22,7% (tăng 6.311 tỷ) so với đầu năm. Trong đó, huy động vốn trên 12 tháng 10.063 tỷ đồng, chiếm 29,5% nguồn vốn huy động và tăng đến 52,7% so với đầu năm. Đáng lưu ý là trong cơ cấu tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm lên đến 29.326 tỷ đồng, chiếm 86% tiền gửi, tăng 25,5% so với đầu năm; còn lại là tiền gửi thanh toán. Đây là mức tăng trưởng huy động cao nhất trong những năm gần đây.

Tại một hội nghị của ngành Ngân hàng mới đây, Giám đốc NHNN Tăng Hải Châu cho biết, trong thời gian qua, NHNN đã tăng cường giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về lãi suất của các tổ chức tín dụng nhằm thiết lập kỷ cương trên thị trường. Vì vậy các tổ chức tín dụng đã thực hiện nghiêm túc quy định lãi suất tiền gửi tối đa, hiện tượng “đi đêm lãi suất”, cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức tín dụng đã không xảy ra. Điều đó có nghĩa lãi suất trên là lãi suất thực mà người gửi tiền được nhận.

Khách hàng đang giao dịch tại Agribank Đắk Lắk.
Khách hàng đang giao dịch tại Agribank Đắk Lắk.

Lãi suất giảm, không có “đi đêm lãi suất”, nhưng ngân hàng vẫn “hút” tiền gửi. Điều này cho thấy, gửi tiền vẫn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất hiện nay. Chị Đặng Thị Thanh Trang (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, trong bối cảnh thị trường bất động sản gần như đóng băng và có dấu hiệu bão hòa, thị trường vàng và đồng USD diễn biến phức tạp thì gửi vào ngân hàng vẫn là “kênh” an toàn nhất. Hơn nữa, nếu gửi ở các kỳ hạn dài, lãi suất cũng không phải là thấp so với những lĩnh vực đầu tư khác. Trong khi đó, với tư cách một nhà đầu tư lớn, giám đốc một doanh nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cho rằng, việc tìm kiếm cơ hội đầu tư dài hạn tại Đắk Lắk hiện nay rất khó khăn do tỉnh thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trước đây trong khi chờ đợi cơ hội làm ăn, nhiều nhà đầu tư thường chọn thị trường vàng và bất động sản để sinh lợi, nhưng diễn biến thị trường phức tạp đã khiến họ lựa chọn việc gửi tiền vào ngân hàng để ít nhất là bảo toàn vốn.

Với việc tăng trưởng tiền gửi ở các tổ chức tín dụng liên tục tăng, một mặt cho thấy người dân đang “có của ăn, của để”, nhưng mặt khác cũng là dấu hiệu cho thấy việc tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh đang rất khó khăn. Thực tế là tăng trưởng tín dụng trung, dài hạn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn năm 2016 thấp hơn nhiều so với những năm trước đây (năm 2013 tăng 21,4%, năm 2014 tăng 16,2%, năm 2015 tăng 35,5% và năm 2016 tăng 14,8%). Điều đó cho thấy các dự án đầu tư trung, dài hạn, có hiệu quả trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm.

Theo đại diện một ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn, khi lãi suất xuống mức thấp, người dân không thỏa mãn với mức lãi suất đó thì dòng tiền có thể sẽ chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán hay bất động sản… Tuy nhiên, với diễn biến thị trường như hiện nay, trong ngắn hạn và có thể cả trung hạn, dòng tiền vẫn sẽ đổ vào ngân hàng bởi lẽ đây là kênh đầu tư an toàn nhất với đa số người dân vì lãi suất tiền gửi vẫn có phần cao hơn chỉ số lạm phát và có thể cao hơn nhiều lĩnh vực đầu tư khác.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc