Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối tình trạng rừng tự nhiên giao cho các doanh nghiệp quản lý bị chặt phá, xâm chiếm

09:45, 06/01/2017

Ngoài diện tích đất lâm nghiệm được UBND tỉnh cho thuê trồng cao su, rừng nguyên liệu, trên địa bàn huyện Ea H’leo có 8 công ty và doanh nghiệp tư nhân nhận khoán quản lý và bảo vệ với tổng diện tích 2.452,98 ha rừng tự nhiên.

Trong đó, có 3 đơn vị nhận khoanh nuôi và bảo vệ nhiều diện tích rừng, gồm: Công ty TNHH Kim Huỳnh (xã Ea Tir) 750 ha, Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Việt (xã Ea Sol) 625,2 ha, Công ty TNHH Tân Tiến (xã Ea Sol) 546,4 ha… Những đơn vị còn lại được giao khoán quản lý từ 70 đến trên 100 ha rừng tự nhiên.

Rừng ở tiểu khu 120 (xã Ea Tir) do Công ty TNHH Kim Huỳnh quản lý bị phá để lấy gỗ.
Rừng ở tiểu khu 120 (xã Ea Tir) do Công ty TNHH Kim Huỳnh quản lý bị phá để lấy gỗ.

Tuy nhiên, sau khi nhận rừng, 8 đơn vị nói trên không thực hiện đúng cam kết ban đầu, buông lỏng quản lý bảo vệ rừng, để người dân tự do vào chặt phá lấy gỗ làm trụ tiêu, xâm chiếm đất lâm nghiệp làm rẫy nương khiến diện tích rừng bị suy giảm nghiêm trọng. Theo Báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát việc các công ty thuê đất trồng cao su, nhận quản lý bảo vệ rừng năm 2016 của huyện Ea Súp tại Hội nghị tổng kết công tác nông - lâm nghiệp, 8 đơn vị nói trên đã để người dân vào chặt phá, xâm hại 439,18 ha/2.452,98 ha rừng; trong đó, Công ty TNHH Kim Huỳnh có 135,88 ha/750 ha bị suy giảm, Công ty TNHH Tân Tiến có 46,5 ha/546,4 ha bị suy giảm, Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Việt suy giảm 48,5 ha/625,2 ha, những đơn vị còn lại cũng để xảy ra tình trạng người dân vào chặt phá, xâm chiếm rừng. Điều đáng nói là để xảy ra tình trạng này nhưng chưa có đơn vị, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm, xử lý kỷ luật.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do các công ty và doanh nghiệp chưa bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng đủ mạnh để quản lý chặt lâm phần đã giao. Việc phối hợp giữa chủ rừng với chính quyền địa phương và ngành chức năng trong công tác kiểm tra, phát hiện vi phạm về lâm luật không thường xuyên, kém hiệu quả. Đối tượng phá rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, dân di cư tự do kinh tế khó khăn và thiếu đất sản xuất, sống dựa vào rừng là chính. Bên cạnh đó, giá cả một số mặt hàng nông sản như hồ tiêu, điều tăng cao nên nhiều người bất chấp luật pháp đổ xô phá rừng lấy gỗ làm trụ tiêu, chiếm đất canh tác nương rẫy trái pháp luật nhằm thu lợi trước mắt, tạo áp lực rất lớn cho công tác quản lý bảo vệ rừng mà các công ty, doanh nghiệp đã nhận khoán quản lý. Hầu hết các công ty, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc trồng, chăm sóc diện tích cao su của mình, còn diện tích rừng nhận khoán quản lý thì buông lỏng. Vai trò của kiểm lâm phụ trách địa bàn, chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về rừng còn mờ nhạt, hiệu quả kém.

Nhiều diện tích rừng ở tiểu khu 121 (xã Ea Tir) do Công ty TNHH Kim huỳnh quản lý bị chặt phá để chiếm đất làm nương rẫy.
Nhiều diện tích rừng ở tiểu khu 121 (xã Ea Tir) do Công ty TNHH Kim huỳnh quản lý bị chặt phá để chiếm đất làm nương rẫy.

Để chấm dứt tình trạng tài nguyên rừng giao cho các công ty, doanh nghiệp bị chặt phá, xâm chiếm trái phép như rừng vô chủ, đề nghị các ngành chức năng của tỉnh, huyện Ea H’leo, các cơ quan thực thi pháp luật địa phương điều tra làm rõ, quy trách nhiệm và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Bởi, nếu không có những biện pháp quyết liệt thì những diện tích rừng tự nhiên còn lại trở thành đồi trọc, rẫy nương sẽ là điều không tránh khỏi.

Ngọc Tài


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.