Nước tưới vụ đông xuân 2016-2017: Vẫn chưa hết lo
Đầu vụ đông xuân 2016-2017, người dân không còn thấp thỏm sợ thiếu nước tưới vì các hồ trên địa bàn tỉnh cơ bản đã tích đủ nước. Tuy nhiên, trong hai đợt lũ lụt xảy ra hồi tháng 11 và 12-2016 đã khiến nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng và bồi lấp gây ảnh hưởng đến việc giữ nước cũng như tưới tiêu.
Cơ bản đã tích đủ nước
Theo Chi cục Thủy lợi, năm nay lượng mưa nhiều hơn mọi năm, đặc biệt là nhờ những đợt mưa trên diện rộng hồi cuối năm 2016 nên nước ở các hồ, đập đã tăng nhanh, riêng khu vực phía Đông tỉnh qua tràn từ 0.4 - 1 m. Tính đến thời điểm này, 600 hồ chứa và 115 đập dâng trên địa bàn tỉnh cơ bản đã tích đủ nước, nhất là ở các huyện phía Đông tỉnh. Đặc biệt, một số hồ đã rất lâu không đạt mực nước thiết kế như hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), hồ Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), hồ Buôn Triết (huyện Lắk) đến nay cũng đã đạt mực nước dâng bình thường.
Tại huyện Lắk, địa phương bị hạn hán hoành hành ngay từ đầu vụ đông xuân 2015-2016 và gây thiệt hại nặng nề về lúa nước thì đến nay cơ bản các hồ chứa đã tích đủ nước để phục vụ tưới cho 5.100 ha cây trồng ngắn ngày vụ đông xuân 2016-2017. Theo đại diện Chi nhánh quản lý công trình thủy lợi huyện Lắk, trong số 19 hồ chứa thì có 18 hồ đạt từ 76% dung tích trở lên bảo đảm nước tưới cho hơn 4.581 ha do chi nhánh quản lý. Hiện tại chi nhánh đã mở nước để bà con gieo sạ được khoảng 45% diện tích.
Sửa chữa lại kênh mương bị hư hỏng sau mưa lũ tại xã Ea R’bin (huyện Lắk). |
Tại các huyện có diện tích cà phê bị thiệt hại nặng nề trong đợt hạn của năm 2016 như: Krông Búk, Cư M’gar, Ea H’leo… thì đầu vụ này các hồ chứa hầu hết cũng đã đạt mức nước dâng bình thường. Ông Hoàng Văn Minh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk cho biết, năm nay tình hình nước tưới tương đối thuận lợi, bình quân các hồ chứa trên địa bàn huyện đã tích được khoảng 80% dung tích, đến thời điểm này bà con vẫn chưa phải tưới đợt một vì vẫn có mưa.
Cần khắc phục kịp thời các công trình bị hư hỏng
Năm 2016, tình hình thời tiết diễn biến khá phức tạp, lượng mưa khá nhiều nhưng phổ biến không đồng đều khiến việc tích nước ở các địa phương cũng không đồng đều, vẫn còn không ít hồ đập dung tích dưới 50%. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là việc sửa chữa cấp bách các công trình thủy lợi bị hư hỏng để bảo đảm cấp nước đến cuối vụ. Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh, nhằm kịp thời phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2016 - 2017, trước khi vào mùa mưa, công ty đã chủ động sửa chữa những thiết bị cơ khí như: cửa van tràn xả lũ, thay thế các cửa van cống lấy nước để bảo đảm được nguồn nước; phối hợp với các chi nhánh trực thuộc, rà soát, kiểm tra những hạng mục đầu mối, kênh mương hư hỏng, xuống cấp theo kế hoạch bảo trì năm 2016 hoặc các sự cố công trình do mưa bão gây ra nhằm bảo đảm điều kiện tốt nhất để chuẩn bị phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, các đợt mưa kéo dài vừa qua cũng đã làm cho các tuyến kênh của các công trình bị bồi lấp nặng nề, ngoài ra còn có một số sự cố công trình bị ảnh hưởng do mưa lũ như: vỡ kênh chính thuộc đập dâng Đắk Liêng (huyện Lắk) và hồ chứa nước Buôn Trưng (huyện Ea Kar); vỡ đuôi tràn xả lũ của hồ chứa Đội 36 và hồ C19 của huyện M’Đrắk; một số công trình xảy ra hiện tượng thấm qua đập đất vượt mức cho phép ảnh hưởng đến an toàn của công trình.
Kiểm tra tình hình nước tưới tại HTX Nông nghiệp 714 (huyện Ea Kar). |
Theo ông Lê Xuân Chung, Giám đốc Chi nhánh thủy lợi huyện Lắk, trong đợt lũ hồi tháng 12-2016 huyện Lắk có 4 km kênh cấp 1 và 1,8 km kênh cấp 2 bị sạt lở nghiêm trọng. Nếu không sửa chữa kịp thời thì khi xả nước để tưới vào các đợt cao điểm thì kênh sẽ bị vỡ, đe dọa đến an toàn công trình đập và ảnh hưởng đến việc cấp nước tưới cho người dân cũng như việc chống hạn. Hiện tại, công ty Quản lý công trình thủy lợi tỉnh cũng đã nhanh chóng khắc phục tạm thời để phục vụ cho sản xuất, tuy nhiên về lâu dài tỉnh cần bố trí đủ kinh phí để sửa chữa kịp thời.
Được biết, Sở NN-PTNT cũng đã tham mưu cho Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí khắc phục, sữa chữa các công trình bị hư hỏng có nguy cơ mất an toàn, tuy nhiên để có nguồn kinh phí thì vẫn phải đợi…
Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh cũng cho biết, trong tổng số 235 hồ chứa công ty đang quản lý có 199 hồ đạt mực nước thiết kế, 24 hồ mực nước ở mức 70 -90%, 5 hồ ở mức 50 - 70%, còn lại dưới 50%. |
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc