Cà phê Buôn Ma Thuột - lời khẳng định từ sản phẩm sạch
Sản xuất cà phê sạch, chất lượng cao không chỉ gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, mà còn là giải pháp để nâng cao uy tín thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột.
Nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu chất lượng cao Buôn Ma Thuột (Cụm công nghiệp Tân An 2) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex đi vào hoạt động từ năm 2011, công suất 60.000 tấn sản phẩm/năm. Để tạo sản phẩm chất lượng cao, quy trình sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật, bảo đảm nguyên liệu đầu vào sạch và quy trình chế biến được chuẩn hóa theo công nghệ hiện đại. Theo đó, đơn vị thu gom cà phê nhân tại Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng và Gia Lai với sản lượng 25.000 tấn đạt tiêu chuẩn 4C và 5.000 tấn theo tiêu chuẩn UTZ. Ông Lê Phước Hùng, Giám đốc chi nhánh Buôn Ma Thuột, Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex cho biết, các thị trường quốc tế thường yêu cầu những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng cà phê, do đó sản phẩm phải được xử lý kỹ lưỡng trong quá trình chế biến từ việc đánh bóng, bắn màu, bảo đảm không tẩm, không thêm mùi và trộn chất khác. Đặc biệt, các lô hàng không những phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về sản phẩm cà phê Việt Nam mà còn phải tuân thủ yêu cầu của từng khách hàng. Nhờ đó, trong năm 2016, nhà máy đã xuất khẩu 35.000 tấn cà phê nhân, đạt kim ngạch 60 triệu USD.
Giám sát chất lượng cà phê trước khi xuất xưởng tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9. |
Theo đánh giá của Sở Công thương, xu thế hiện nay của các nhà rang xay, chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh là chú trọng vào sản xuất sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Do đó, niên vụ 2015 – 2016, xuất khẩu cà phê đã có khởi sắc, với sản lượng đạt gần 196.400 tấn, kim ngạch gần 357 triệu USD. Đặc biệt, bên cạnh những thị trường khó tính đạt giá trị kim ngạch cao như Nhật Bản (gần 57 triệu USD), Thụy Sỹ (hơn 41 triệu USD), Đức 37,5 triệu USD, còn có những thị trường mới nổi đầy tiềm năng là Panama, Iran và Guatemala. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển An Thái cho biết, thị trường ngày càng chú trọng vào sản phẩm sạch, an toàn, do đó, DN xác định phát triển các loại sản phẩm cà phê nguyên chất, không pha trộn tạp chất, phẩm màu và hóa chất với mong muốn để người tiêu dùng được sử dụng cà phê đúng với giá trị của nó.
Đối với việc sản xuất cà phê sạch, chất lượng cao, vấn đề tiên quyết là phải bảo đảm nguyên liệu đầu vào có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong phạm vi cho phép, nhân cà phê đủ kích thước, không bị đen, vỡ, nấm mốc. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp (DN) cà phê đã liên kết với người dân, hợp tác xã để sản xuất cà phê bền vững đạt chuẩn theo các bộ tiêu chí quốc tế. Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, có 7 DN tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận UTZ (với tổng diện tích gần 8.700 ha, sản lượng 28.281 tấn), 2 DN sản xuất cà phê 4C (6.966 ha, 26.297 tấn), 3 DN sản xuất cà phê RFA (4.376 ha, 15.643 tấn) và 1 DN sản xuất cà phê FLO (3.105 ha, 4.254 tấn). Đơn cử, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 đã liên kết với 10.000 hộ dân tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai sản xuất 25.000 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C và UTZ để chủ động nguồn nguyên liệu ổn định, bền vững phục vụ sản xuất, bảo đảm mục tiêu xuất khẩu 100.000 tấn/năm. Đến nay, sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu đến 52 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu chiếm tỷ trọng cao.
Sản xuất cà phê chất lượng cao tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex chi nhánh Buôn Ma Thuột. |
Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, để nâng tầm uy tín, thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột trên phạm vi toàn cầu, bên cạnh công tác quảng bá, bảo hộ thương hiệu của Nhà nước thì việc sản xuất sản phẩm sạch, chất lượng cao của các DN, cơ sở chế biến là lời khẳng định thuyết phục nhất. Bên cạnh đó, Đề án Phát triển cà phê bền vững của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng đề ra những giải pháp quan trọng là thu hút đầu tư từ các DN trong và ngoài nước, nhất là các nhà rang xay thế giới sử dụng công nghệ hiện đại; đồng thời, hỗ trợ các DN cà phê chế biến sâu, xuất khẩu xây dựng và áp dụng quy trình quản lý tiên tiến, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hoá, thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho cà phê gắn với truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm.
Nhằm phát triển ngành cà phê theo hướng bền vững, Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2020, có 80% diện tích cà phê áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, chỉ dẫn địa lý; 80 - 85% sản lượng được thu hái, phơi sấy, bảo quản đúng quy trình kỹ thuật; tỷ lệ cà phê chế biến sâu đạt 10 – 15% tổng sản lượng và 100% cơ sở chế biến cà phê nhân xuất khẩu bảo đảm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc