Multimedia Đọc Báo in

Công tác chuẩn bị Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6: Từ những nỗ lực của các ngành

14:51, 06/02/2017

Khi Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017 đang cận kề thì công tác chuẩn bị cũng đang được tiến hành gấp rút.

Với chủ đề “Hội tụ tinh hoa – phát huy bản sắc – liên kết phát triển” , Lễ hội lần này được chính quyền các cấp dồn sức tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, nhằm quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, bảo tồn giá trị văn hóa, thu hút đầu tư, phát triển du lịch. 

Theo Ban tổ chức Lễ hội, từ tháng 9-2016 đến nay, UBND tỉnh đã có nhiều cuộc họp lấy ý kiến các sở, ngành liên quan xung quanh việc tổ chức Lễ hội. Trong đó, 9 nội dung chính của Đề án được giao cho đầu mối cụ thể để chủ động thực hiện. Cụ thể, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì Lễ Khai mạc, Bế mạc, Lễ hội đường phố, Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng; Sở Thông tin và Truyền thông tập trung cho chiến dịch truyền thông, quảng bá Lễ hội; Sở Công thương đảm trách việc vận động tài trợ, Hội chợ - Triển lãm ngành cà phê; Sở NN - PTNT chịu trách nhiệm về Hội thảo cà phê, chung kết Hội thi nhà nông đua tài; UBND huyện Lắk chủ trì về Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc; UBND TP. Buôn Ma Thuột chuẩn bị cho chương trình thưởng thức cà phê miễn phí…

Đại biểu tìm hiểu và thưởng thức cà phê tại buổi họp báo tại thủ đô Hà Nội. Ảnh: N.Hoa
Đại biểu tìm hiểu cách thức pha chế và thưởng thức cà phê tại buổi họp báo tại thủ đô Hà Nội. Ảnh: N.Hoa

Với yêu cầu là đổi mới, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan phải làm mới các hoạt động, lồng ghép giữa Lễ hội Cà phê và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng để người dân tham gia vào tất cả các hoạt động và trở thành chủ thể của lễ hội, nhất là đối với Lễ hội đường phố. Để người dân, du khách dễ dàng cập nhật nắm bắt thông tin về sự kiện này, chiến dịch truyền thông cũng đang được Sở Thông tin và Truyền thông chủ động triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức …

Ông Trần Trung Hiển, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Để làm tốt công tác tuyên truyền cho Lễ hội, ngày 25-12-2016 tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức họp báo lần thứ nhất tại TP. Hồ Chí Minh. Ngoài quảng bá trên báo, đài, pano, băng rôn, khẩu hiệu, việc tận dụng sức mạnh của trang mạng xã hội đã tạo nhiều hiệu ứng tích cực. Sở đang tiếp tục tận dụng các kênh thông tin này nhằm tiếp cận đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, với mong muốn mỗi người dân là một đại sứ truyền thông cho Lễ hội. Ngày 6-2, tỉnh sẽ tổ chức họp báo lần thứ 2 tại Thủ đô Hà Nội và ngày 6-3 tổ chức họp báo lần thứ 3 tại TP. Buôn Ma Thuột để tiếp tục quảng bá mạnh mẽ hơn nữa cho lễ hội”.

 
“Ngoài quảng bá trên báo, đài, pano, băng rôn, khẩu hiệu, việc tận dụng sức mạnh của trang mạng xã hội đã tạo nhiều hiệu ứng tích cực. Sở đang tiếp tục tận dụng các kênh thông tin này nhằm tiếp cận đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, với mong muốn mỗi người dân là một đại sứ truyền thông cho Lễ hội” 
Ông  Trần Trung Hiển Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

 

Với việc bảo đảm xã hội hóa 70% kinh phí cho lễ hội, Sở Công thương đã có kế hoạch làm việc với các tỉnh Tây Nguyên, bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để kêu gọi tài trợ cho Lễ hội. Có thể thấy, mọi công việc đang được các tiểu ban phụ trách chủ động triển khai với niềm tin đây sẽ là hoạt động tiếp tục quảng bá mạnh mẽ cho thế mạnh của địa phương, cho Cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Là Lễ hội có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, tỉnh đã giao cho các ngành tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đảm bảo cho Lễ hội diễn ra vui tươi, an toàn, tiết kiệm về mọi mặt. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, với chủ đề “Bản sắc trong thế giới hội nhập”, Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 được tổ chức song hành với Lễ hội Cà phê với nhiều chương trình đặc sắc đang được các đơn vị triển khai tập luyện. Các doanh nghiệp du lịch đang xây dựng các tour, tuyến với những sản phẩm mới nhằm kích hoạt thị trường du lịch của khu vực Tây Nguyên, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước với các chương trình du lịch đặc thù phục vụ Lễ hội như: Nồng nàn Đắk Lắk tháng Ba, Buôn Ma Thuột – Văn hóa cồng chiêng, Cao nguyên vẫy gọi...  Các điểm được lựa chọn để du khách tham quan trong tour phục vụ lễ hội gồm: Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Bảo tàng các dân tộc Tây Nguyên, Khu du lịch sinh thái văn hóa Ko Tam (TP. Buôn Ma Thuột), Khu du lịch Hồ Lắk, Buôn Đôn... đảm bảo mang đến cho người dân trong tỉnh cũng như du khách gần xa những trải nghiệm, những khám phá thú vị về văn hóa, lịch sử, tiềm năng về con người và vùng đất Tây Nguyên. 

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.