Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn: "Bỏ thì thương, vương thì tội"! (Kỳ II)
Kỳ 2: Bất cập trong công tác đầu tư, quản lý, vận hành
Hiện nay, nước cung cấp cho các công trình cấp nước (CTCN) được khai thác chủ yếu dựa vào nguồn nước ngầm, tuy nhiên việc lựa chọn, khảo sát không kỹ khiến cho các công trình (CT) chỉ hoạt động được thời gian ngắn đã bộc lộ bất cập, yếu kém.
Bất cập từ đầu tư…
CTCN tập trung nông thôn khác với các CT xây dựng cơ sở hạ tầng khác là muốn hoạt động thì phải có nguồn nước ổn định lâu dài, có bộ máy quản lý, vận hành riêng… Tuy nhiên, khi khảo sát các nhà đầu tư lại chưa quan tâm hoặc quan tâm chưa đúng mức đến quá trình vận hành mà chỉ tính đến lợi ích trước mắt nên có những CT chỉ hoạt động thời gian ngắn đã xuống cấp, ngưng hoạt động. Cụ thể, CTCN thôn Đoàn Kết 2, xã Buôn Triết, huyện Lắk được xây dựng trong khuôn khổ dự án hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân theo hình thức góp vốn đối ứng năm 2005, nhưng đến nay CT không còn đủ nước để hoạt động, các hạng mục đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Tương tự, CTCN buôn Ung Rung 2 (xã Buôn Triết) được UBND huyện đầu tư năm 2012 với tổng vốn đầu tư 900 triệu đồng nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho 41 hộ dân địa phương, nhưng đến nay chỉ có 24 hộ được sử dụng nước từ CT, còn những hộ khác phải khoan giếng, sử dụng nước sông, suối, ao hồ do thiếu nguồn nước; chưa kể một số hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng. Không chỉ thiếu nguồn nước, nhiều CTCN khi khảo sát xây dựng không tính đến hiệu quả lâu dài gây lãng phí tiền tỷ. Điển hình là xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột hiện tại có 7 CTCN được xây dựng trong vòng 3 năm gồm CTCN thôn 2, thôn 4 (xây dựng năm 2003); CTCN buôn Cư Đluê (2005); CTCN thôn 3 (2004); CTCN thôn 5, (2005); CTCN thôn 1 (2005); CTCN buôn Buôr (2005); CTCN buôn Đray H’ling (2004), nhưng đến nay 3 CT hoạt động kém hiệu quả, 4 CT ngưng hoạt động. Riêng CTCN thôn 1 ngưng hoạt động đã lâu, đa số người dân địa phương đã chuyển sang sử dụng nước máy, nhưng CT vẫn tồn tại gây bức xúc cho người dân. Hiện tại, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường đang đề nghị thanh lý vì sự tồn tại của nó không còn hợp lý.
Công trình cấp nước thôn 1, xã Hòa Xuân đã xuống cấp do thiếu nguồn nước, cần thanh lý. |
Đến quản lý, vận hành
Các CTCN sau khi xây dựng đều được bàn giao cho các đơn vị đứng ra quản lý, vận hành trong đó UBND xã, HTX, cộng đồng là phổ biến với 110/136 CT. Chính mô hình này đang khiến các CTCN xuống cấp một cách nhanh chóng, bởi sau khi tiếp nhận CT, UBND xã sẽ chuyển giao cho 1 - 3 người đứng ra quản lý, vận hành, khai thác. Tiền sử dụng nước có nơi thu, cũng có nơi không thu. Một số CT thu tiền sử dụng nước của người dân và nộp vào quỹ của xã; khi cần thiết, tổ quản lý xin chi và xã phê duyệt nhưng khi nộp thì dễ, khi xin chi lại khó và chậm so với nhu cầu thực tế nên không đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu sửa chữa cần thiết. Một số CT thì tổ quản lý trực tiếp tự thu và tự chi, không có sổ sách theo dõi, người sử dụng nước không đóng, người vận hành không được chi trả lương mà chỉ hưởng phụ cấp từ 50.000 - 1.500.000 đồng/người/tháng (tùy công trình), nên không ai phục vụ lâu dài. Chưa hết, khi nhân sự của UBND xã thay đổi thì nhân sự tổ quản lý cũng thay đổi theo mặc dù bản thân nhân sự mới chưa được đào tạo về quản lý, vận hành CTCN. Mặt khác, UBND xã lại là một cấp chính quyền, không thể làm dịch vụ thu, chi cho CTCN nên không có tính bền vững trong quản lý, khai thác lâu dài. Còn với mô hình HTX, cộng đồng quản lý lại rất cồng kềnh với cơ cấu từ 3 - 5 người quản lý cho mỗi CT. Bản thân người quản lý chỉ được tập huấn 4 - 5 ngày, không đủ kiến thức để tự quản lý, vận hành, không được nâng cao tay nghề. Mặt khác, Nhà nước quy định nước sinh hoạt là một mặt hàng được phép kinh doanh và có thể điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường tự thu tự chi nhưng với các mô hình HTX, cộng đồng khi điều chỉnh giá phải họp bàn lấy ý kiến của các xã viên, người dùng nước. Trong khi, người dùng muốn sử dụng nước đạt yêu cầu, nhưng không muốn nâng giá nước nên phần lớn các CTCN do mô hình này quản lý chỉ có mức giá 1.000 – 1.500 đồng/m3 trong suốt thời gian hoạt động dẫn đến tình trạng chung là thu không đủ chi, không có vốn tích lũy, khi CT hư hỏng không có vốn để sửa chữa, phải ngưng hoạt động.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang tồn tại 4 mô hình khai thác, quản lý CTCN gồm Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường (quản lý 19 CT); doanh nghiệp (6 CT); Ban Quản lý dự án (1 CT); UBND xã, HTX, cộng đồng (110 CT). Trong số 67 CTCN hoạt động kém hiệu quả, ngưng hoạt động (chiếm hơn 49% tổng số công trình trên địa bàn tỉnh) thì đa số đều do UBND xã, HTX, cộng đồng quản lý.
(Còn nữa)
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc