Công trình thủy lợi Ea Tul: Gây ngập úng vì lòng kênh bị thu hẹp
Công trình thủy lợi Ea Tul (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) được xây dựng từ năm 1993 gồm các hạng mục chính: đập dâng, cống lấy nước đầu mối, hồ trung chuyển số 1 và 3, hệ thống kênh (gồm kênh chính N1 đoạn I, đoạn II và 7 tuyến kênh nhánh) cùng các công trình trên kênh như cầu qua kênh, cống qua đường, van điều tiết, bậc nước…
Công trình có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 200 ha lúa nước, 70 ha hoa màu và cây công nghiệp. Tuy nhiên, qua một thời gian sử dụng hệ thống kênh đã xuống cấp bởi hầu hết các kênh đều bằng đất nên năng lực hệ thống chỉ đạt được 30% so với lưu lượng thiết kế, chỉ cung cấp đủ nước tưới cho khoảng 80 ha cây trồng. Chính vì vậy, việc đầu tư sửa chữa, kiên cố hệ thống kênh Ea Tul là hết sức cần thiết.
Ngày 30-7-2007, UBND huyện Buôn Đôn có Quyết định số 1119/QĐ-UBND phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán về việc kiên cố hóa kênh N1 đoạn I, kênh chính N1 đoạn II, kênh N2, kênh N1-3 của công trình thủy lợi Ea Tul. Đây là công trình thủy lợi cấp IV với hình thức đầu tư kiên cố hóa kênh đã có, với chiều dài hơn 8,7 km. Dự án do UBND huyện Buôn Đôn làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí hơn 9,7 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và ngân sách huyện. Sau khi được kiên cố, công trình sẽ cung cấp nước tưới cho 635 ha lúa 2 vụ trên địa bàn xã, tạo điều kiện cho việc thâm canh, tăng năng suất cây trồng, cũng như giảm được chi phí sửa chữa hằng năm, tăng thêm tuổi thọ cho công trình, thuận lợi cho công tác quản lý vận hành hệ thống. Công trình được khởi công xây dựng vào cuối năm 2007 và đưa vào sử dụng từ tháng 5-2009.
Lòng kênh nhỏ gây ngập nước ảnh hưởng đến đến sinh hoạt và sản xuất của người dân thôn 7. |
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, sau khi công trình đi vào hoạt động đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con. Được biết, trước đây, lòng kênh rất rộng (hơn 2 mét) nên không khi nào xảy ra tình trạng ngập úng nhưng từ khi kênh được kiên cố hóa đến nay chỉ một trận mưa lớn là nước bị ứ đọng lại. Đặc biệt là đoạn kênh dài gần 2 km thuộc kênh chính N1 đoạn I chạy qua thôn 7 quá nhỏ chỉ bằng một nửa so với trước. Vào mùa mưa, lượng nước đổ về nhiều kênh không thoát kịp, nước tràn lên cả khu dân cư khiến nhiều nhà dân bị ngập trong nước, có những hộ nước ngập đến nửa nhà, để khắc phục tình trạng trên, các gia đình ở đây đều phải nâng móng nhà lên cao. Nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng, hư hỏng thậm chí là mất trắng. Đơn cử, vào đợt mưa tháng 9-2016, đã làm cho 9 ngôi nhà, hơn 18 ha hoa màu các loại ở thôn 7 bị ngập sâu trong nước. Từ trước đến nay đã có 5 trường hợp trẻ nhỏ bị rơi xuống nhưng được phát hiện kịp thời nên chưa có chuyện đáng tiếc xảy ra. Ông Đỗ Công Bình (thôn 7) than thở: “Nhà tôi trồng 6 sào rau nhưng năm nào cũng bị ngập nước. Riêng năm ngoái, nước vào tận 3 lần khiến rau bị hỏng gần hết, chỉ có một số loại khỏe như rau muống, rau cần thì còn vớt vát được đôi chút, gỡ lại tiền công cán, phân tro. Trong các lần tiếp xúc cử tri, người dân của thôn cũng đã nhiều lần kiến nghị huyện xem xét mở rộng lòng kênh để giảm thiểu tình trạng ngập, bảo đảm an toàn cho người dân”.
Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Chủ tịch xã Ea Wer cho biết: “Năm 2015, xã cũng đã làm tờ trình gửi UBND huyện xin mở cống thoát lũ, giảm tải áp lực cho kênh, huyện cũng đã cử người xuống khảo sát và đã được phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí để thực hiện”.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc