Cư San gặp khó trong phát triển sản xuất nông nghiệp
Xuất phát điểm thấp, địa hình dốc, hệ thống giao thông thủy lợi chưa được đầu tư nhiều, kỹ thuật canh tác lạc hậu, manh mún là những nguyên nhân khiến sản xuất nông nghiệp của xã Cư San (huyện M’Đrắk) gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giảm nghèo của địa phương.
Cư San được xếp là một trong 5 xã nghèo nhất của tỉnh. Theo ông Vũ Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Cư San cho biết, mặc dù diện tích đất nông nghiệp của xã chiếm trên 91% (khoảng 19.000 ha trong tổng số diện tích 20.857 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chỉ khoảng 2.400 ha) song phần lớn đều là đồi núi dốc, kém màu mỡ, rất khó khăn trong việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Toàn xã có 1.572 hộ, 7.791 khẩu với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi phía Bắc (chiếm khoảng 99,8%), trình độ dân trí không đồng đều, tập quán canh tác lạc hậu.
Bên cạnh đó, công trình thủy lợi tại xã Cư San được đầu tư còn hạn chế, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Trên địa bàn xã hiện chỉ có 1 công trình thủy lợi đập Ea Rall tại thôn Ea Krông (theo thiết kế đập Ea Rall có dung tích cung cấp nước tưới cho khoảng 80 ha lúa nước và hoa màu song trên thực tế đập này chỉ có thể cung cấp nước cho khoảng 20 ha). Hơn nữa, hệ thống đường giao thông liên thôn, xã đa phần là đường đất, đi lại còn rất khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa, gây cản trở nhiều đến sinh hoạt và vận chuyển hàng nông sản của người dân…
Người dân xã Cư San (huyện M’Đrắk) khơi thông dòng chảy dẫn nước vào đồng ruộng. |
Những khó khăn trên khiến hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở Cư San không cao, thu nhập của nông dân thấp. Như gia đình anh Triệu Văn Mộc (thôn 6) dù có diện tích đất sản xuất tương đối nhiều (8 sào lúa nước và 3 ha đất trồng hoa màu) song đến nay vẫn không thoát được nghèo. Nguyên nhân là do diện tích đất sản xuất của gia đình anh chủ yếu là đất đồi dốc, kém màu mỡ, quá trình canh tác hoàn toàn dựa vào điều kiện tự nhiên, năm nào thời tiết thuận lợi thì mới đủ lương thực cho 5 nhân khẩu và tích lũy được một phần. Tuy nhiên, khi thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là hạn hán thường xuyên xảy ra trong những năm gần đây thì thu nhập từ diện tích vườn cây của gia đình anh giảm đáng kể, năng suất cây trồng đạt thấp (lúa khoảng 4 tạ/sào; sắn khoảng 15 tấn/ha), một số diện tích bị mất trắng. Thu nhập của gia đình anh chủ yếu dựa vào khoản thu từ việc đi làm thuê và lấy măng; phần đất rẫy chuyển sang trồng keo nguyên liệu. Cũng như gia đình anh Mộc, sau nhiều năm thường xuyên bị hạn, thiếu nước sản xuất, gia đình bà Triệu Thị Mai (thôn 5) không sống nổi nếu chỉ dựa vào 3 ha rẫy trồng ngô, sắn và 7 sào lúa nước. Hiện nay, gia đình bà đã chuyển 3 ha hoa màu sang trồng rừng; đồng thời phải bươn chải làm thuê, thu mua và chế biến măng khô để trang trải cuộc sống.
Những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp đã tác động trực tiếp đến công tác xóa đói giảm nghèo của xã. Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn mới, hiện xã Cư San có 1.111 hộ nghèo với 5.805 khẩu, chiếm 72,5%; hộ cận nghèo 225 hộ, với 1.170 khẩu, chiếm 14,7%.
Thiết nghĩ để thúc đẩy nông nghiệp Cư San phát triển, chính quyền địa phương cần tăng cường đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, đa dạng hóa cây trồng để thích ứng biến động bất lợi của thời tiết; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng khâu chọn giống để nâng cao năng suất cây trồng; xây dựng và nhân rộng các mô hình có hiệu quả kinh tế cao, biện pháp canh tác trên đất dốc, canh tác tổng hợp, áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm; tận dụng các chương trình hỗ trợ của Nhà nước và nguồn xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ cho sản xuất, nâng cao đời sống người dân.
Mỹ Sự
Ý kiến bạn đọc