Đầu tư phát triển Tây Nguyên: Hiệu quả từ những diễn đàn xúc tiến đầu tư
Với sự quan tâm của Chính phủ, bộ ngành Trung ương, kinh tế - xã hội (KTXH) vùng Tây Nguyên đã có những bước phát triển nhanh, toàn diện. Các diễn đàn xúc tiến đầu tư khu vực được tổ chức những năm qua đã góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế, bảo đảm an sinh xã hội...
Từ những tiềm năng
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, vị trí khá đặc thù, Tây Nguyên được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế như: nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi đại gia súc, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, khai khoáng, du lịch.... Đối với cây công nghiệp, Tây Nguyên có lợi thế về cà phê (chiếm 92% sản lượng của cả nước), hồ tiêu (34% diện tích cả nước), cao su (33% diện tích cả nước)... Ngoài cây công nghiệp, đây cũng là vùng đất sản xuất rau, hoa công nghệ cao xuất khẩu. Thuộc lưu vực của 3 con sông lớn (Sê San, Sêrêpôk và Đồng Nai), Tây Nguyên còn là vùng có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện (chiếm 27% tổng tiềm năng kinh tế - kỹ thuật thủy điện Việt Nam). Đây cũng là vùng có trữ lượng cao về nhiều loại khoáng sản: bô – xit, quặng vàng, vật liệu xây dựng, đá quý, than bùn... mở ra nhiều tiềm năng cho công nghiệp khai khoáng. Mặt khác, là vùng có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng và nằm trong khu vực hợp tác của Tiểu vùng Mê Kông mở rộng và Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, những năm qua Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm đối với sự phát triển KTXH của toàn vùng, đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp xúc tiến, thu hút đầu tư mạnh mẽ vào khu vực này.
Đường Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện Ea H'leo) được đầu tư nâng cấp góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương kinh tế và đi lại của người dân. |
Đánh giá từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, giai đoạn 2011-2015, thu hút đầu tư vào Tây Nguyên luôn tăng lên hằng năm, tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực luôn cao hơn mức bình quân chung cả nước. Cùng với việc tăng huy động vốn đầu tư toàn xã hội, trong những năm qua cơ cấu đầu tư cũng đã được điều chỉnh ngày càng hợp lý, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng KTXH, nhất là đầu tư vào các dự án giao thông, thủy lợi, công nghiệp, năng lượng, bưu chính viễn thông và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Bên cạnh đó, việc thu hút vốn viện trợ phát triển (ODA) và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào vùng Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực với nhiều dự án có quy mô lớn đang triển khai như: Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ; Lâm nghiệp xã hội; Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Tây Nguyên; Phát triển các thành phố loại 2 do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ…
Sức lan tỏa từ diễn đàn xúc tiến đầu tư
Có thế khẳng định, các hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên đã mở ra nhiều cơ hội để các địa phương quảng bá, giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế cùng các chính sách thu hút đầu tư của địa phương mình. Tại Hội Nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 3 được tổ chức năm 2015 tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), các tỉnh Tây Nguyên đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án của 13 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư đăng ký lên đến 16.643 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, thương mại, chế biến nông lâm nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, năng lượng điện gió, giáo dục. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng đã ký hợp đồng tín dụng cam kết đầu tư vốn tín dụng vào các lĩnh vực giao thông, vận tải, thủy điện, nông nghiệp…với 15 dự án và 3 thỏa thuận hợp tác với tổng số tiền cam kết đầu tư lên khoảng 15.000 tỷ đồng.
Sự hỗ trợ của Dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên - FLITCH đã góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Trang, huyện M’Đrắk (Đắk Lắk). |
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, sau 3 lần tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực, việc thu hút vốn đầu tư trong những năm qua ở vùng Tây Nguyên đã có những chuyển biến rõ rệt. Trong đó, việc đầu tư vào một số ngành như nông nghiệp, năng lượng đã tạo ra chuyển biến tích cực trong việc phát triển KTXH của vùng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước rất quan tâm đến việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án thủy điện…Đặc biệt, trong những năm qua, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước có xu hướng giảm dần, tỷ trọng vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước và nước ngoài tăng dần. Xu thế này đang phù hợp với chủ trương cắt giảm đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu đầu tư hiện nay.
Nhờ thu hút đầu tư có hiệu quả để phát triển KTXH vùng Tây Nguyên, nên GDP bình quân đầu người tăng từ 18,24 triệu đồng năm 2011 lên 26,4 triệu đồng năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,92% (năm 2011) xuống 14,57 (năm 2016 - theo chuẩn đa chiều); tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội 76.373 tỷ đồng, tăng 15,85% so với năm 2015; thu hút đầu tư tăng 111,67% về số lượng dự án, 76,76% về vốn đăng ký; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 128 dự án với tổng vốn đầu tư 818,7 triệu USD...
Để vùng Tây Nguyên phát triển ổn định, bền vững, trong định hướng thu hút đầu tư vào khu vực này giai đoạn 2016 – 2020, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, liên kết thu hút đầu tư và phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; tăng cường hợp tác đầu tư giữa Tây Nguyên với những địa phương của các nước Lào và Campuchia trong khuôn khổ hợp tác xây dựng Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông...
Theo các chuyên gia kinh tế đưa ra tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư lần thứ 3 năm 2015, một trong những giải pháp chiến lược thúc đẩy KTXH Tây Nguyên phát triển đó là thu hút đầu tư phát triển giao thông. Dự kiến giai đoạn 2016-2020, toàn vùng Tây Nguyên huy động khoảng 65.000 tỷ đồng cho việc xây dựng, nâng cấp đồng bộ các đoạn tuyến quốc lộ, với tổng chiều dài 1.380km; xúc tiến đầu tư đường sắt nối vùng Tây Nguyên với các cảng biển lớn ở Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; nâng cấp các cảng hàng không hiện có. |
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc