Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay ở vùng biên

07:31, 27/02/2017

Sau 16 năm kể từ ngày Khu Kinh tế - Quốc phòng (KT – QP) Ea Súp đón hộ dân đầu tiên, đến nay những làng công nhân đã trở thành thôn, buôn của hai xã vùng biên Ia R’vê và Ya Lốp. Với những đóng góp tích cực của các đơn vị quân đội, địa bàn biên giới Ea Súp ngày nay đã phát triển ổn định về kinh tế – xã hội…

Trở lại thăm vùng dự án của Đoàn KT – QP 737 (Quân khu 5) đầu xuân mới 2017, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với cán bộ và bà con vùng dự án là thế trận lòng dân đã được củng cố, an ninh chính trị ổn định. Hai năm trước đây, các xã Ia R’vê, Ya Lốp nổi lên như những “điểm nóng” về khiếu kiện, tranh chấp đất đai cùng những vướng mắc về hợp đồng kinh tế nhận khoán vườn điều giữa hộ dân với các trung đoàn của Binh đoàn 16. Sau khi Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 16 trực tiếp vào cuộc chỉ đạo, giải quyết theo hướng “bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho dân”, lòng dân vùng biên Ea Súp ngày càng ổn định, vững tin vào sự lãnh đạo, cũng như chính sách chăm lo của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Cán bộ Đoàn KT – QP trao đổi với người dân vùng dự án về mô hình trồng xen chuối cao sản trong vườn ca cao.
Cán bộ Đoàn KT – QP trao đổi với người dân vùng dự án về mô hình trồng xen chuối cao sản trong vườn ca cao.

Dự án Khu KT- QP Ea Súp được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt năm 2001 và phê duyệt điều chỉnh năm 2003, có tổng diện tích đất 29.695 ha thuộc địa bàn các xã biên giới Ia R’vê và Ya Lốp (huyện Ea Súp) với 26 km đường biên tiếp giáp huyện Cô Nhéc (tỉnh Mundulkiri, Campuchia). Từ năm 2001 đến 2014, dự án Khu KT – QP Ea Súp do các đơn vị thuộc Binh đoàn 16 quản lý. Từ tháng 1-2015 đến nay, dự án được điều chuyển nguyên trạng cho Đoàn KT – QP 737 quản lý.

Từ khi thành lập đến nay, Khu KT – QP Ea Súp đã được Chính phủ, Bộ Quốc phòng và tỉnh Đắk Lắk quan tâm đầu tư rất lớn cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh. Các đơn vị quân đội đã khai hoang, tổ chức sản xuất hơn 13.600 ha cây trồng các loại; xây dựng 164,9 km đường giao thông, 93 km đường điện và 27 trạm biến áp, 6 công trình thủy lợi với tổng mức đầu tư tính đến nay đạt hơn 500 tỷ đồng. Hiện nay, đường nhựa bán thâm nhập, đường cấp phối, đường điện đã vươn tới tận thôn, buôn và đồn biên phòng. Hệ thống trường học từ mẫu giáo đến THCS và bệnh xá quân dân y được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đến nay, Khu KT - QP Ea Súp đã tiếp nhận, sắp xếp bố trí ổn định dân cư được 3.500 hộ, với 12.508 nhân khẩu, trong đó có 996 hộ dân kinh tế mới của tỉnh Bến Tre, 358 hộ dân kinh tế mới của tỉnh Thanh Hóa, 2.146 hộ dân di ngoài kế hoạch và tách hộ trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở dân cư vùng dự án, đã thành lập được 2 xã Ia R’vê và Ya Lốp, hình thành 32 cụm dân cư gắn với 8 đội sản xuất, 1 trại giống và 2 bệnh xá của Đoàn KT – QP 737. Các hộ dân trong vùng dự án được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như: hỗ trợ di dời làm nhà ở cho 707 hộ với số tiền gần 11 tỷ đồng. Theo quy hoạch ban đầu, mỗi hộ được cấp 1.000 m2 đất ở, đất vườn và 1 ha đất sản xuất. Từ năm 2015 đến nay, Đoàn KT – QP 737 đã triển khai cấp bù đất sản xuất cho 2.596 hộ trong vùng dự án, theo đó mỗi hộ được cấp thêm 1 ha đất sản xuất, nâng diện tích đất sản xuất lên 2 ha/hộ. Đồng thời, Đoàn KT – QP 737 còn xây dựng 37 căn nhà cho hộ nghèo, khám chữa bệnh cho hơn 13.000 lượt người.

Đồng chí Lê Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Ia R’vê khẳng định: “Hiếm có địa bàn nào được Đảng, Nhà nước, Quân đội quan tâm đầu tư lớn như vùng dự án Khu KT – QP Ea Súp. Sau khi được cấp bù đất sản xuất, thu nhập và đời sống nhân dân có nhiều cải thiện. Bình quân 1 ha đất bà con sản xuất cây ngắn ngày như lúa, bắp, sắn; hoặc cây mía, trồng cỏ nuôi bò…, mỗi năm thu lãi được 70 triệu đồng. Theo điều tra cuối năm 2016, toàn xã Ia R’vê có 1.800 hộ, với 6.500 nhân khẩu thì có 28% hộ đã thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo từ 100% năm 2006, nay giảm xuống còn 72%”.

Một mô hình chăn nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Ia R’vê.
Một mô hình chăn nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Ia R’vê.

Một số hộ dân trong vùng dự án, nhờ biết khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai và tìm ra mô hình cây trồng, vật nuôi phù hợp đã vươn lên làm giàu. Điển hình như hộ anh Hà Văn Vượng, hộ Kim Thị Thanh ở thôn 12, mỗi năm thu từ sản xuất 2 ha “lúa, mía, chuối” được hơn 150 triệu đồng, kinh tế gia đình khấm khá. Hiện tại, toàn xã Ia R’vê có hơn 20 hộ phát triển kinh tế theo quy mô trang trại “trồng trọt kết hợp chăn nuôi”, như hộ Lê Thị Thủy, trồng 10 ha mía, nuôi 32 con bò, mỗi năm có tổng thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Từ năm 2015 đến nay, Đoàn KT – QP 737 phối hợp với một số doanh nghiệp trồng thực nghiệm 222 ha ca cao, cao lương, dược liệu, khoai lang, sắn cao sản và chuối xuất khẩu. Đoàn KT- QP 737 trực tiếp triển khai mô hình thả cá, phát triển đàn gà, nuôi vịt trời và trồng rau sạch. Trên cơ sở sự thành công của các mô hình, Đoàn KT – QP 737 sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các đội sản xuất theo hướng “doanh nghiệp đầu tư vốn, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho bà con”. Với sự hỗ trợ của các đơn vị quân đội, vùng biên đang ngày càng “thay da đổi thịt”…         

“Cuộc sống bà con hiện nay so với khi còn ở quê cũ đã no ấm hơn nhiều, 100% hộ có nhà ở kiên cố, có ti vi, xe máy. Nhiều hộ xây dựng được mô hình kinh tế trang trại, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm” – đồng chí Lê Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Ia R’vê.

Bình Định


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.