Multimedia Đọc Báo in

Ea Kar đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng bền vững

10:37, 15/02/2017

Nằm trên Quốc lộ 26, thuận lợi trong giao thương nên những năm qua, huyện Ea Kar không ngừng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và đã đạt được kết quả tích cực.

Liên tục tăng đàn

Trong những năm qua do làm tốt công tác phòng chống dịch nên trên địa bàn huyện ít xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm, đàn gia súc gia cầm trên địa bàn không ngừng tăng. Năm 2012 toàn huyện có khoảng 19.188 con trâu, bò nay đã tăng lên 29.620 con (tăng hơn 54% so với năm 2012). Riêng số đàn bò là 24.066 con (tăng hơn 76%), trong đó tỷ lệ bò lai chiếm trên 80% tổng đàn với các giống bò lai có chất lượng cao như: Red Angus, Drought Matster, Limousine, Charolais… Hình thức chăn nuôi chuyển đổi từ chăn thả tự nhiên sang nuôi bán chăn thả hoặc nuôi nhốt hoàn toàn có bổ sung thức ăn tinh với quy mô từ 5-10 con/hộ, phổ biến ở các xã Ea Kmút, Ea Đar, Xuân Phú, Ea Păl, Cư Ni… Tổng số đàn lợn trên địa bàn ước tính có trên 119.000 con (tăng hơn 17% so với năm 2012). Hình thức chăn nuôi chuyển dịch sang quy mô gia trại và trang trại với 39 trang trại heo có quy mô trên 100 con, doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, tập trung chủ yếu tại các xã Ea Tyh, Ea Kmút, Ea Đar. Tổng giá trị sản xuất đàn heo tại địa phương năm 2016 đạt 748,7 tỷ đồng (tăng 2,4 lần so với năm 2012), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19,4%/năm.  Còn với gia cầm, tổng đàn phát triển với tốc độ tương đối nhanh, năm 2012 chỉ có 1.450.000 con đến năm 2016 là 2.024.000 con (tăng gấp 1,4 lần). Giá trị sản xuất năm 2016 đạt 566,4 tỷ đồng (tăng 2,4 lần so với năm 2012). Hiện nay trong chăn nuôi gia cầm chủ yếu theo 3 hình thức gồm nuôi tập trung theo quy mô trang trại sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, vừa nuôi nhốt vừa thả vườn có sử dụng thức ăn công nghiệp, tận dụng phế phẩm nông nghiệp nuôi theo hình thức chăn thả tự do hay còn gọi là gà thả vườn. Trong đó, chăn nuôi theo quy mô trang trại và thả vườn đang có xu thế phát triển mạnh tại Ea Tyh, Ea Păl, Ea Đar... Ngoài các vật nuôi chủ lực của huyện, trên địa bàn còn nuôi một số vật nuôi đặc sản như: heo rừng, dê, rắn, hươu, nai… Năm 2016, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt hơn 1.405 tỷ đồng (tăng 1,7 lần so với năm 2012), cơ cấu giá trị sản xuất ngành đạt 31,9% (tăng 4,2 %). Tốc độ tăng trưởng bình quân (2012-2016) là 12,2%/năm.

Người nuôi bò ở xã Cư Huê đã biết trồng cỏ cao sản để cung cấp thức ăn giàu dinh dưỡng cho đàn bò.
Người nuôi bò ở xã Cư Huê đã biết trồng cỏ cao sản để cung cấp thức ăn giàu dinh dưỡng cho đàn bò.

 

 
“Chăn nuôi cho lợi nhuận lớn nhưng rủi ro cũng nhiều do dễ xảy ra dịch bệnh, sản phẩm không thể tích trữ mà phải bán khi đạt trọng lượng chuẩn, do đó Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư liên doanh, liên kết với địa phương xây dựng các cơ sở sản xuất khép kín từ khâu sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, con giống, nuôi thương phẩm, giết mổ, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm” 
 
Ông Hồ Tấn Cư, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Kar

Có được kết quả trên là nhờ thời gian qua huyện tích cực phối hợp với các cấp, ngành, Viện Chăn nuôi Việt Nam, Trường Đại học Tây Nguyên, Đại học Nông Lâm Huế, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai nhiều đề tài nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi như Chương trình trợ cước trợ giá, nạc hóa đàn heo, Chương trình 135, Dự án xác lập và quản lý nhãn hiệu tập thể “Bò thịt Ea Kar”, trồng cỏ nuôi bò, cải tạo đàn bò…

Phát triển theo hướng trang trại

Theo kế hoạch, đến năm 2020 huyện Ea Kar phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông lâm nghiệp lên 35,3%, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 6,9%. Về số lượng, tổng đàn gia súc phấn đấu đạt 238.000 con, gia cầm 2.700.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 42.904 tấn, tỷ lệ bò lai chiếm 90%, tỷ lệ lợn nái ngoại chiếm trên 35%, gia cầm có năng suất chất lượng cao chiếm trên 60%, có 1-3 lò giết mổ gia súc tập trung, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, địa phương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như khuyến khích chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp bạc màu sang trồng cỏ nuôi bò; di dời, đầu tư chuồng trại hợp vệ sinh theo quy hoạch chăn nuôi. Cụ thể, phát triển  đàn trâu tại xã Cư Yang, Cư Bông, Cư Prông, Ea Ô; đàn bò thịt, bò sữa tập trung tại xã Cư Ni, Ea Păl, Ea Sar, Cư Yang, Cư Bông; nuôi heo ở xã Ea Tyh, Cư Huê, Ea Sô, Ea Kmút, Xuân Phú, thị trấn Ea Kar, Ea Knốp; gia cầm xã Ea Tyh, Ea Đar, Xuân Phú. Về con giống, tiếp tục chọn lọc giống theo hướng lấy thịt thông qua chương trình cải tạo đàn bò, nâng cao chất lượng các điểm thụ tinh nhân tạo và mạng lưới dẫn tinh viên. Phát triển đàn lợn nái, lợn đực giống thuần ngoại nhằm cung ứng tốt con giống tại địa phương. Khuyến cáo nông dân sử dụng các loại thức ăn tự phối trộn thay thế thức ăn công nghiệp bằng các nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương như bắp, lúa, cỏ… để giảm giá thành sản xuất. Riêng các cơ sở chăn nuôi gia trại và trang trại thì áp dụng công nghệ tự động hóa từng khâu và toàn bộ quá trình sản xuất, có sổ sách theo dõi, lưu giữ số liệu về giống, thuốc thú y và dịch bệnh. 

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.