Giải pháp tưới tiết kiệm nước hiệu quả cho cây tiêu
Để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, khan hiếm nước tưới trong mùa khô đối với các loại cây trồng, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai Dự án xây dựng “Mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho cây hồ tiêu” trên địa bàn các huyện Krông Búk, Buôn Đôn, Krông Bông với quy mô 6 ha, 12 hộ tham gia.
Tiêu chí lựa chọn các hộ nông dân tham gia mô hình phải bảo đảm các tiêu chuẩn: diện tích vườn tiêu tối thiểu 5.000 m2, có sẵn nguồn nước, tập trung gần nhau có khả năng liên kết để dễ đấu nối các thiết bị đầu cuối, vườn tiêu sinh trưởng tốt, sạch bệnh, đang trong thời kỳ sản xuất kinh doanh ổn định, nông dân có kinh nghiệm, có điều kiện đối ứng vật tư, nhân lực. Tất cả các hộ được lựa chọn đều thuộc các xã khó khăn, chưa tham gia dự án nào và chưa nhận hỗ trợ gì từ nguồn ngân sách Nhà nước, ưu tiên gia đình chính sách, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số…
Sau khi hoàn thiện lắp thiết bị tưới tại mô hình trình diễn, Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk và trạm khuyến nông các huyện phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh tổ chức tập huấn cho các hộ tham gia mô hình nhằm hướng dẫn nông dân lắp đặt vận hành, sử dụng hệ thống tưới bao gồm cách tưới phân, tưới nước thông qua hệ thống cũng như bảo quản hệ thống. Kết cấu của hệ thống tưới gồm: Máy bơm nước đẩy nước từ nguồn nước tới bộ điều khiển trung tâm; từ bộ điều khiển trung tâm nước được đưa vào một đường ống nước chính chạy dọc theo vườn; ống nước tưới được đấu nối với đường ống nước chính đưa nước tưới cho từng gốc tiêu bằng biện pháp nhỏ giọt. Tại bộ điều khiển trung tâm còn có một bộ phận châm phân để có thể qua đó bón phân cho tiêu theo dạng hòa tan trong nước.
Tham quan mô hình tưới tiết kiệm tổ chức tại huyện Buôn Đôn. |
Qua một thời gian thử nghiệm hệ thống, ông Đào Danh Quý (thôn Ea Duất, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) - hộ tham gia thực hiện mô hình cho biết: “Ban đầu khi quyết định tham gia thực hiện mô hình, tôi cũng rất phân vân vì cho rằng tưới tràn với số lượng nước lớn theo phương pháp truyền thống mà cây trồng còn thiếu nước vào mùa khô, bây giờ thực hiện tưới tiết kiệm thì không biết thế nào. Nhưng sau khi sử dụng thì tôi thấy hệ thống dễ vận hành; kiểm soát áp đầu cuối bằng nhau; tưới phân, nước đều và đặc biệt là đất lúc nào cũng đủ ẩm, cây tiêu xanh tốt, tiết kiệm đáng kể công lao động”.
Đến nay, dù chưa thể đánh giá cụ thể hiệu quả năng suất và hiệu quả kinh tế của mô hình tưới tiết kiệm trên cây hồ tiêu song bước đầu đã làm thay đổi nhận thức về tập quán canh tác của người trồng tiêu bằng cách ứng dụng công nghệ trong tưới tiêu góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông hộ. Khác với phương pháp tưới truyền thống (tưới dí và tưới phun mưa) rất tốn công, phương pháp tưới tiết kiệm nước giúp duy trì đều đặn độ ẩm cần thiết cho cây tiêu sinh trưởng và phát triển, đặc biệt giảm công lao động, bảo vệ đất, tiết kiệm nguồn nước, chủ động được nước tưới trong mùa khô, độ ngấm sâu hơn.
Tuy nhiên, do vốn đầu tư ban đầu cho một mô hình tưới tiết kiệm là khá lớn, trung bình 60 triệu đồng/1 ha nên nhiều nông dân vẫn còn ngần ngại khi muốn tiếp cận với công nghệ tưới tiên tiến này. Để giúp đa số nông dân có thể tiếp cận mô hình tưới tiết kiệm cho cây trồng, cần có chính sách ưu tiên vay vốn dài hạn với lãi suất thấp để bà con có điều kiện ứng dụng công nghệ kỹ thuật tưới tiết kiệm nước vào sản xuất.
Kết quả nghiên cứu và thực tế áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho một số cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu, thanh long, mía ở Việt Nam cho thấy rằng, việc áp dụng công nghệ này kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất cây trồng từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20-50% và tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%. |
Ái Liên
Ý kiến bạn đọc