Multimedia Đọc Báo in

Hệ lụy từ phát triển "nóng" hồ tiêu ở Tây Nguyên

16:19, 14/02/2017

Mấy năm gần đây, nhất là năm 2016 vừa qua, nông dân các tỉnh Tây Nguyên ồ ạt trồng hồ tiêu khiến diện tích vượt xa quy hoạch.

Theo Bộ NN-PTNT, hiện toàn vùng Tây Nguyên có 55.400 ha, chiếm 56,7% diện tích hồ tiêu cả nước. Chỉ tính 3 năm trở lại đây, toàn vùng Tây Nguyên trồng mới hơn 20.000 ha hồ tiêu. Chưa có cây công nghiệp nào ở khu vực này tăng nhanh như hồ tiêu. Với diện tích hiện có, so với định hướng phát triển hồ tiêu đến năm 2020, toàn vùng Tây Nguyên vượt quy hoạch hàng chục nghìn héc-ta; trong đó tỉnh Gia Lai vượt 10.000 ha, Đắk Lắk và Đắk Nông mỗi tỉnh vượt hơn 5.000 ha.

Không ai phủ nhận lợi ích mà cây hồ tiêu mang lại cho kinh tế vùng Tây Nguyên, nhất là khi giá loại nông sản này giữ ổn định ở mức cao. Hàng nghìn hộ nông dân Tây Nguyên đã đổi đời, không chỉ vượt qua đói nghèo, mà còn trở thành triệu phú, tỷ phú từ sản xuất hồ tiêu. Trong đó phải kể đến hàng chục tỷ phú hồ tiêu ở các huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai); Cư Kuin, Krông Năng, Cư M'gar (tỉnh Đắk Lắk); Tuy Đức, Đắc R'lấp (tỉnh Đắk Nông).

Vườn tiêu của nông dân xã Ea Toh (huyện Krông Năng) bị kẻ xấu phá hoại bằng cách phun thuốc diệt cỏ.
Vườn tiêu của nông dân xã Ea Toh (huyện Krông Năng) bị kẻ xấu phá hoại bằng cách phun thuốc diệt cỏ.

 

 
Hồ tiêu là cây khó tính, kén đất, chi phí đầu tư và chăm sóc rất lớn; vườn cây rất khó phục hồi khi bị dịch bệnh, dịch hại. Thực tế đã có không ít hộ nông dân Tây Nguyên lâm vào tình trạng thua lỗ, phá sản và nợ nần khi vườn hồ tiêu nhiễm dịch bệnh phải phá bỏ.
 
 

Thế nhưng, việc phát triển hồ tiêu quá “nóng”, vượt tầm kiểm soát của ngành nông nghiệp đã gây ra không ít hệ lụy. Cụ thể, vấn đề đặt ra hàng đầu đối với cây hồ tiêu ở Tây Nguyên hiện nay là quản lý dịch bệnh. Tại Hội thảo “Xây dựng và phát triển mô hình sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững để nâng cao giá trị” do Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây đã cảnh báo: Tình trạng hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm và việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện đã ảnh hưởng xấu đến năng suất cũng như chất lượng vườn cây. Cũng theo Bộ này, hiện cả nước có 5% diện tích hồ tiêu nhiễm dịch bệnh, trong đó phần lớn tập trung ở Tây Nguyên. Bên cạnh đó, gần đây, cũng tại Tây Nguyên còn nổi lên tình trạng kẻ xấu do mâu thuẫn sẵn sàng phá hoại vườn tiêu bằng cách phun thuốc diệt cỏ, cắt gốc tiêu, gây thiệt hại kinh tế rất lớn. Mặt khác, nhiều diện tích hồ tiêu ở Tây Nguyên trồng trên các trụ là gỗ rừng tự nhiên dẫn tới tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển và sử dụng lâm sản trái phép cũng rất “nóng”.

Thiết nghĩ, vấn đề đặt ra hiện nay đối với ngành nông nghiệp và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên là quản lý chặt quy hoạch phát triển hồ tiêu, không để tái diễn tình trạng phát triển “nóng” như hiện nay. Theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo bà con không trồng mới hồ tiêu trên vùng đất không phù hợp; ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi khai thác, sử dụng gỗ rừng tự nhiên làm trụ trồng hồ tiêu; nhân rộng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với nông dân nhằm bảo đảm sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững.

   Bình Định


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.