Huyện M'Đrắk: Người trồng cà phê "thiệt đơn, thiệt kép" do tiến độ thu hái chậm
Đã gần hết tháng 2 nhưng sản lượng cà phê thu hoạch ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện M’Đrắk mới chỉ đạt khoảng 80-85% trong khi ở thời điểm này vào những năm trước việc thu hái đã hoàn thành. Tiến độ thu hái chậm do thời tiết thất thường khiến nông dân “thiệt đơn, thiệt kép”.
Gia đình ông Hoàng Văn Xu (thôn 16, xã Ea Riêng) có 1 ha cà phê, bắt đầu thu hoạch từ giữa tháng 10-2016. Nhưng mới hái được gần 1 tấn quả tươi, chưa kịp phơi sấy thì gia đình ông phải dừng lại vì trời mưa. Cà phê đã chín mà không kịp hái nên bị hao hụt sản lượng do hiện tượng tét nhân, rụng quả mọc mầm. Tiến độ thu hoạch chậm trong khi chi phí thuê người hái khá cao (dao động từ 140.000 - 160.000 đồng/ngày công) và tốn nhiều ngày công cho việc thu nhặt những trái chín rụng xuống đất khiến nhiều hộ trồng cà phê “đau đầu”. Bên cạnh đó, việc phơi sấy hoàn toàn bị ngưng trệ, ai cũng lo lắng bởi thu hái thì không có nắng để phơi khô, còn không hái thì quả chín rụng đầy gốc.
Các ngành chức năng khuyến cáo, trong thời gian này, nông dân cần tập trung thu hoạch nhanh và chú ý cẩn thận trong quá trình tỉa cành, vệ sinh vườn cây để phòng nấm bệnh; đồng thời, chú trọng cung cấp đủ phân bón theo chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây và trái non nhằm bảo đảm cho vườn cà phê vượt qua giai đoạn thời tiết biến động hiện nay. |
Xã Ea Mdoal có 470 ha cà phê (gồm diện tích của Công ty 715C là 150 ha, xã quản lý 320 ha). Niên vụ 2015 – 2016, toàn xã có 280 ha cho thu hoạch, năng suất 1,2 tấn nhân/ha, sản lượng 336.000 tấn. Bước sang niên vụ 2016 – 2017, mưa kéo dài đã gây thiệt hại nặng nề cho người trồng cà phê, trong đó, cơn mưa ngày 4-11-2016 đã làm 22,57 ha cà phê bị gãy đổ, bật gốc. Sau 1 năm vất vả chăm bón, đến vụ thu hoạch, người trồng cà phê lại phải đối mặt với nhiều nỗi lo vì thời tiết diễn biến rất khó lường, việc thu hái, phơi khô gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn bị tiểu thương ép giá do chất lượng cà phê giảm sút. Ông Chu Minh Thanh, Chủ tịch UBND xã Ea Mdoal, cho biết: Tính đến giữa tháng 2-2017, xã Ea Mdoal đã thu hoạch trên 80% diện tích, năng suất ước giảm 50% so với niên vụ trước. Để bảo quản và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại, một số hộ phải chủ động mua máy sấy quy mô nhỏ hoặc đưa đi sấy tại các lò dù vào vụ thu hoạch đại trà, nhu cầu sấy tăng nên giá bị đẩy lên cao hơn từ 20-30% so với bình thường. Nhiều hộ khác phải chọn giải pháp đóng thành từng bao rồi chất đống để trong nhà hoặc dùng bạt che và chờ sau khi trời nắng sẽ tiếp tục phơi.
Theo báo cáo sản xuất nông nghiệp năm 2016, huyện M’Đrắk có 2.142 ha cà phê, đạt 102% kế hoạch, giảm 20 ha so với năm 2015; năng suất 10,44 tạ/ha, chỉ đạt 87% kế hoạch; sản lượng 2.191 tấn, đạt 87% kế hoạch, giảm 69,56 tấn so với năm 2015. Thời tiết thất thường, mùa mưa kết thúc muộn hơn, tiến độ thu hoạch cà phê chậm dẫn đến tình trạng rơi rụng trái chín, trong khi đó cà phê thu hoạch về không được phơi sấy, xử lý kịp bị mốc, đen ảnh hưởng tới chất lượng cà phê thương phẩm. Bên cạnh đó, người trồng cà phê còn phải đối mặt với nỗi lo cây cà phê nở hoa sớm trong giai đoạn đang thu hoạch sẽ gây rụng hoa, làm hỏng các mắt mầm trên cành khiến đợt ra hoa tiếp theo không đạt, thậm chí cây không thể ra hoa đợt hai, tỷ lệ trái đậu thấp, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng niên vụ sau, người nông dân trồng cà phê lâm vào tình cảnh “thiệt đơn, thiệt kép”.
Được biết, hiện tại, với giá thu mua cà phê nhân xô khoảng 44.800 đồng/kg, giá cà phê tươi 7.300 đồng/kg, tăng khoảng 500 đồng/kg so với thời điểm đầu vụ thu hoạch, người trồng cà phê đã lựa chọn cách bán quả tươi.
Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc