Khắc phục những hạn chế ở chợ đêm Buôn Ma Thuột
Sau 2 năm đi vào hoạt động, chợ đêm Buôn Ma Thuột bộc lộ nhiều hạn chế cần sớm khắc phục.
Chợ đêm Buôn Ma Thuột được giao cho Công ty Cổ phần IBD Hưng Thịnh (TP. Hồ Chí Minh) đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh kể từ tháng 2-2015. Đơn vị này đầu tư xây dựng chợ với tiêu chí vừa làm nơi mua sắm, trao đổi hàng hóa, vừa kết hợp hoạt động văn hóa, tham quan du lịch.
Theo thiết kế, khu chợ được phân làm hai khu vực: Khu bày bán hàng khô, hàng lưu niệm mang đặc trưng của địa phương, kéo dài trên các tuyến đường Y Jut (đoạn từ đường Nguyễn Công Trứ đến Quang Trung); Nơ Trang Long, Quang Trung (đoạn từ đường Y Jut đến Điện Biên Phủ); và khu vực bán hàng ăn uống được bố trí trên vỉa hè đường Lê Hồng Phong (phía sân vận động) đoạn từ đường Nguyễn Công Trứ đến Phan Đình Giót.
Việc ra đời của chợ đêm góp phần giải bài toán thiếu sản phẩm du lịch về đêm cho du khách khi có dịp lưu trú ở phố núi. Đến với chợ đêm, du khách có thể dạo qua các con phố như Y Jut, Nơ Trang Long… để ngắm cảnh đường sá, khám phá về kiến trúc của thành phố, chọn mua những món đồ làm kỷ niệm một lần đến Ban Mê hay cũng có thể ghé vào một quán vỉa hè nào đó ven khu chợ để thưởng thức ẩm thực Tây Nguyên… Tuy nhiên, qua thời gian đi vào hoạt động, ý định trên dường như vẫn chưa được thực hiện trọn vẹn.
Đầu tiên, phải kể đến những hạn chế trong việc bố trí gian hàng. Trong số khoảng 150 gian hàng được bố trí kinh doanh theo quy hoạch thì chỉ có 80 gian hoạt động thường xuyên và phần lớn dành để kinh doanh các mặt hàng thời trang. Khu chợ đêm hiện mới chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm ngoài trời, tiêu dùng bình dân như quần áo, giỏ xách, đai nịt, vớ tất, đồ trang sức… giá rẻ. Những gian hàng bày bán sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương, nhiều món đồ thủ công mỹ nghệ mang đậm chất Tây Nguyên như thổ cẩm, quần áo, ví cầm tay bằng thổ cẩm, đồ mỹ nghệ, ché rượu cần… vốn có sức hấp dẫn với du khách hoàn toàn vắng bóng tại khu chợ đêm này.
Khách tham quan, mua sắm tại chợ đêm Buôn Ma Thuột. |
Điều đáng nói là nguồn gốc hàng hóa ở chợ đêm chưa được quản lý chặt chẽ. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng cho rằng, mua hàng ở chợ đêm cũng phải thận trọng giống như… đi mua hàng khuyến mãi vậy! Việc hàng kém chất lượng được trà trộn vào tiêu thụ không phải là hiếm. Cho nên, hoạt động của chợ đêm mới chỉ đáp ứng được cho những người có sở thích đi dạo, mua sắm về đêm, nhưng xét về du lịch lẫn thương mại vẫn chưa thể đáp nhu cầu, thị hiếu của du khách.
Một bất cập khác là việc chợ đêm được bố trí xung quanh khu vực chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, tầm 17 giờ mỗi ngày thì công việc dàn dựng gian hàng di dộng được tiến hành, tiểu thương cũng mở cửa bán hàng. Thời điểm này lưu lượng xe cộ rất đông cộng với hoạt động kinh doanh khiến xung đột giao thông trên các tuyến đường xung quanh chợ thường xuyên xảy ra. Trên thực tế, một số tuyến đường như Nơ Trang Long, Y Jut được bố trí làm nơi kinh doanh chợ là chưa phù hợp, bởi lưu lượng xe qua lại trên hai tuyến đường này rất nhiều, kể cả ngày lẫn đêm. Thêm vào đó, các gian hàng lại được bày bán ngay giữa lòng đường càng gây ùn tắc giao thông, khiến khách đến chợ phải chen chúc giữa dòng xe cộ đông đúc mà lại có rất ít không gian để tản bộ, ngắm phố sá. Chưa kể, cản trở công tác phòng cháy chữa cháy và vệ sinh khu phố.
Ngoài ra, chợ đêm Buôn Ma Thuột không có nhà vệ sinh công cộng, camera; hệ thống dây điện và đèn chiếu sáng chưa bảo đảm an toàn, tình trạng móc túi diễn ra thường xuyên và phức tạp khiến cả du khách lẫn người dân địa phương hoang mang.
Trước thực tế trên, UBND TP. Buôn Ma Thuột vừa có phương án chuyển đổi, sắp xếp lại hoạt động của chợ đêm Buôn Ma Thuột. Trong nỗ lực hướng tới việc đưa chợ đêm trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, nhất là dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 sắp tới, thành phố sẽ bố trí lại các gian hàng của chợ đêm sát vào vỉa hè xung quanh khu vực chợ B, C (Chợ trung tâm Buôn Ma Thuột), đồng thời yêu cầu đơn vị tổ chức kinh doanh chợ đêm bố trí khu vệ sinh và khu vực để xe cho khách đến tham quan chợ đêm. Đặc biệt, tổ chức lại khu gian hàng bày bán sản phẩm đặc trưng của địa phương theo hướng ưu tiên ở những góc đường chính, thu hút tầm nhìn của khách tham quan, dạo chợ. Tại mỗi gian hàng, tiểu thương phải treo biển hiệu, có đầy đủ thông tin về tên chủ hàng, địa chỉ, số điện thoại để khách hàng được biết và báo với cơ quan chức năng khi cần. Thành phố cũng yêu cầu điều chỉnh khung giờ mới, cho phép chợ đêm hoạt động chính thức từ sau 18 giờ đến 23 giờ mỗi ngày và phải bảo đảm công tác vệ sinh trả lại mặt bằng sạch sẽ đúng với công năng cho các tuyến đường trước 4 giờ sáng ngày hôm sau.
Trâm Anh
Ý kiến bạn đọc