Làm giàu bằng mô hình vườn – ao – chuồng
Đầu năm 2015, sau hơn 10 năm làm trong lĩnh vực kinh doanh, ông Nguyễn Ngọc Giáo (SN 1962, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) quyết định chuyển sang sản xuất bằng mô hình VAC. Ông Giáo tìm đến thôn 1 (xã Cư Suê) để mua 6 ha đất rẫy và bao phủ bằng hệ thống tưới tự động. Để canh tác, sản xuất có hiệu quả, ông âm thầm đi đến nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm của nông dân.
Ông Giáo chia sẻ: “Là người “ngoại đạo” nên tôi phải học hỏi từng bước đi trong việc trồng trọt, chăn nuôi. Trước khi thực hiện mô hình, tôi bỏ một thời gian dài ra tận các vùng trồng tiêu ở huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để học hỏi kinh nghiệm. Điều khiến tôi ngạc nhiên là hầu hết người nông dân ở khu vực này đều trồng cây gòn để làm trụ tiêu. Trong khi đó, tại các tỉnh Tây Nguyên, người dân sử dụng trụ gỗ khô, trụ xi măng… nhiều hơn. Tò mò, tôi hỏi thăm các chủ vườn tiêu thì được biết, thân cây gòn có chất nước nên giúp cho hồ tiêu có sức sống ổn định, xanh tốt quanh năm và ít bị nhiễm bệnh”. Ngoài cây gòn, ông Giáo còn tìm mua giống cây cẩm về làm trụ tiêu. Bởi theo tìm hiểu của ông, không chỉ giúp cho cây tiêu xanh tốt mà lá cây cẩm và cây gòn còn là nguồn thức ăn yêu thích của dê. Cây cẩm thuộc gỗ nhóm 1 nên còn mang lại nguồn lợi lớn sau này.
Đến nay, hàng nghìn trụ tiêu của ông Giáo chỉ mới trồng 2 năm nhưng đã ra bói và phủ trụ với chiều cao khoảng 4 m. Theo ông Giáo, cây tiêu rất dễ bị nhiễm bệnh nên phải thường xuyên thực hiện việc phòng ngừa bệnh. Định kỳ hằng tháng, ông thuê kỹ sư về tư vấn, kiểm tra quá trình sinh trưởng của tiêu. Bên cạnh đó, để giúp cho tiêu có nhiều nhánh mà không bị bệnh, ông thuê nhân công dùng tay bấm đọt sau khi trồng được 1 năm. Trong khi đó, rất nhiều nông dân tại địa phương thường dùng kéo, dao cắt đọt khiến tiêu dễ bị bệnh và phát triển chậm. Ngoài 3.200 trụ tiêu, 1 ha cà phê, ông còn trồng xen canh 400 cây bơ, 200 cây sầu riêng và 40 cây vải thiều…
Song song với việc trồng trọt, ông Giáo còn tìm đến một số xã trên địa bàn huyện Krông Bông để tìm hiểu kỹ thuật nuôi heo. Sau một thời gian học hỏi, chọn lọc ông đầu tư chuồng trại theo mô hình cho ăn tự động để nuôi 100 con heo nái. Hiện nay, số heo nái đang trong giai đoạn sinh đẻ nên việc chăm sóc rất kỹ lưỡng. Để tránh dịch bệnh cho heo, ngay từ ngoài cổng, ông thiết lập hệ thống máy diệt trùng mỗi khi có người đi vào. Sau đó, nếu muốn vào trang trại thăm và chăm sóc heo thì người làm phải trải qua 2 lần diệt khuẩn nữa.
Bên cạnh đó, ông Giáo còn nuôi một đàn bò gần 20 con và 2.500 con gà siêu trứng, mỗi ngày cho từ 2.300 - 2.400 quả trứng. Nguồn phân từ chăn nuôi gia súc được ông Giáo tiến hành xử lý kỹ sau khi đưa vào hầm biogas mới bón cho cây trồng. Chưa dừng lại ở đó, ông còn đầu tư xây dựng 5 hồ nước để nuôi các loại cá trê, trắm, lóc, rô phi… và tiếp tục hoàn thiện mô hình VAC để chăn nuôi dê với số lượng lớn.
Để thực hiện mô hình đa con, đa canh nói trên, ông Giáo đã mạnh dạn đầu tư hơn 10 tỷ đồng và tạo công ăn, việc làm ổn định cho 6 nhân công với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, mỗi ngày ông còn thuê hơn 10 lao động thời vụ phục vụ sản xuất, chăn nuôi. Với ý chí quyết tâm, dám nghĩ dám làm và theo như tính toán của ông Giáo thì tới đây nguồn thu nhập hằng năm từ mô hình này sẽ trên tỷ đồng. Ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho biết: “Đây là mô hình VAC có quy mô lớn tại địa phương. Thời gian qua, nhiều người dân địa phương đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi từ mô hình của ông Giáo”.
Hồng Nguyên
Ý kiến bạn đọc