Chăn nuôi gia cầm trong mùa dịch cúm: Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống
Trong khi vi-rút cúm gia cầm A/H7N9 đang áp sát biên giới phía Bắc, thì ở nhiều địa phương trong nước cũng đã xảy ra các ổ dịch cúm A/H5N1 và A/H5N6 chưa qua 21 ngày. Điều này đang đe dọa đến tình hình phát triển chăn nuôi trong nước cũng như sức khỏe cộng đồng nếu Việt Nam không có biện pháp kịp thời và quyết liệt để ngăn chặn.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hiệp quốc (FAO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE), trong tháng 1-2017, Trung Quốc đã lấy mẫu giám sát, phát hiện 26 mẫu gia cầm và môi trường dương tính với vi-rút cúm gia cầm A/H7N9, có 33 mẫu huyết thanh gia cầm dương tính với cúm gia cầm H7, đồng thời, tại nước này cũng xảy ra nhiều ổ dịch cúm gia cầm độc lực cao như A/H5N2, A/H5N8 và A/H5N6. Tại Việt Nam, hiện đã có các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại 15 hộ chăn nuôi thuộc 11 xã của 7 tỉnh (Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ngãi) chưa qua 21 ngày, với 34.317 con chết và tiêu hủy. Ngoài ra, được sự giúp đỡ của các tổ chức Quốc tế, từ năm 2014 đến nay Việt Nam đã lấy hơn 200 nghìn mẫu giám sát các loại dịch cúm trên gia cầm. Mặc dù chưa phát hiện vi-rút cúm A/H7N9, nhưng tỷ lệ lưu hành vi-rút cúm trên đàn gia cầm và môi trường là khá cao. Chỉ tính riêng trong năm 2016, Cục Thú y đã tiến hành giám sát lưu hành vi-rút cúm gia cầm ở các chợ gia cầm sống tại 32 tỉnh, thành phố cho thấy tỷ lệ phát hiện vi-rút cúm trên gà đối với A/H5N6 là 1,89% và A/H5N1 là 0,94%; trên vịt đối với A/H5N6 là 6,7% và A/H5N1 là 1,63%; tỷ lệ phát hiện vi-rút cúm trong các mẫu môi trường đối với A/H5N6 là 2,97% và A/H5N1 là 2,07%. Đây chính là nguồn lây lan vi-rút cúm thông qua các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm. Bên cạnh đó, vi-rút cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 còn tồn lưu trong môi trường, đàn chim hoang, đàn chim di trú cũng như việc nhập lậu gia cầm qua biên giới. Ở Đắk Lắk, năm 2016 cũng đã lấy được 18 mẫu trên gà, vịt và môi trường ở các chợ, song chưa phát hiện mẫu nào dương tính với cúm A/H5N9. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các tổ chức Y tế mặc dù từ năm 2014 đến nay tuy chưa phát hiện vi-rút cúm A/H7N9 cả trên người và trên gia cầm ở Việt Nam nhưng nguy cơ lây nhiễm là rất lớn.
Chăn nuôi vịt trên địa bàn huyện Cư Kuin. |
Nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao bởi một số chủng vi-rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam như: A/H7N9, A/H5N2, AH5N8 có nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Chủ động phòng, chống
Năm 2016, Đắk Lắk có gần 10 triệu con gia cầm, tăng trên 231 nghìn con so với năm 2015, sản phẩm chăn nuôi cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, một số sản phẩm chủ đạo đã được xuất ra ngoài tỉnh như heo, trứng gia cầm…Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra một số ổ dịch cúm gia cầm, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Gần đây nhất là vào 2 tháng cuối năm 2016 đã xảy ra 2 ổ dịch cúm ở xã Hòa Thuận và phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột), với tổng số gà chết và buộc phải tiêu hủy là 1.900 con. Tỉnh Đắk Lắk không thuộc diện được Bộ NN-PTNT cấp vắc-xin tiêm phòng cúm gia cầm vì vậy Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện tham mưu cho chính quyền cơ sở thực hiện theo Công văn số 948/UBND-NNMT ngày 14 - 2 - 2014 của UBND tỉnh về việc bắt buộc tiêm vắc-xin phòng bệnh Cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm. Tính đến cuối năm 2016, Trạm Chăn nuôi và Thú y của 15 huyện, thị xã, thành phố đã tiêm phòng và giám sát tiêm phòng được 718.645 con gia cầm các loại và cung ứng hơn 300.000 liều vắc-xin Cúm gia cầm H5N1. Tuy nhiên, tỷ lệ gia cầm được tiêm phòng so với tổng đàn còn rất thấp, chiếm chưa đến 10%.
Nuôi gà công nghiệp ở thị xã Buôn Hồ. |
Khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y
|
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã nhanh chóng tiến hành đồng bộ những giải pháp. Đặc biệt, Chi cục đã tiến hành cấp phát cho các địa phương 5.000 lít hóa chất để triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1-2017, nhằm chủ động ngăn chặn vi-rút cúm A/H7N9; lập tờ trình và dự thảo công điện khẩn về việc ngăn chặn cúm A/H7N9 trình UBND tỉnh ký. Trong dự thảo công điện nêu rõ, chính quyền địa phương và cơ quan thú y tiếp tục tăng cường giám sát, nắm được tổng đàn gia cầm trên địa bàn quản lý; phổ biến để người chăn nuôi biết và thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 948; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra khỏi địa bàn tỉnh, đồng thời, triển khai các hoạt động giám sát lưu hành, phát hiện kịp thời sự xâm nhiễm của chủng vi rút A/H7N9 và các chủng vi rút gia cầm khác trên đàn gia cầm và gia cầm nhập lậu để làm cơ sở chỉ đạo chống dịch; tổ chức lấy mẫu gia cầm sống, thịt gia cầm nhập lậu qua biên giới để xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc