Multimedia Đọc Báo in

Khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ,thiết bị, bảo vệ môi trường

07:30, 31/03/2017

Cùng với các chương trình khác, hoạt động khuyến công đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp(DN) áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đa phần các cơ sở công nghiệp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn trong tỉnh đều có quy mô vừa và nhỏ, điều kiện về vốn, trình độ quản lý, tay nghề lao động hạn chế. Đặc biệt, một số đơn vị còn sử dụng dây chuyền, công nghệ lạc hậu, nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, gây ô nhiễm môi trường. Nhằm tạo điều kiện cho các DN, cơ sở sản xuất đổi mới công nghệ, thiết bị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, ngày 21-5-2012 về các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Đây là cơ sở để địa phương thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ các DN đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Điển hình như Công ty TNHH ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana) được Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) hỗ trợ máy móc thiết bị trong dây chuyền đóng gói bột ca cao từ Chương trình Khuyến công Quốc gia năm 2015, công suất 20 kg/giờ, tổng kinh phí 300 triệu đồng. Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc công ty cho biết, từ khi đưa vào sản xuất, máy đóng bao đã góp phần giảm số lượng nhân công, cải thiện mẫu mã, đa dạng hoá sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Dây chuyền sản xuất hạt nhựa của cơ sở Minh Chiến (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) được hỗ trợ từ chương trình khuyến công địa phương.
Dây chuyền sản xuất hạt nhựa của cơ sở Minh Chiến (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) được hỗ trợ từ chương trình khuyến công địa phương.

Một trong những hoạt động khuyến công thiết thực nhất là xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật để chuyển giao, nhân rộng tại các huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, chương trình khuyến công đã thực hiện nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ máy móc thiết bị nhằm hoàn chỉnh dây chuyền mang tính đồng bộ. Để phù hợp với nhu cầu thực tiễn của các đơn vị thụ hưởng, các mô hình hỗ trợ có thể là máy đơn lẻ như máy tiện đa năng, khoan, cắt gia công cơ khí, thiết bị băng tải nông sản, máy nghiền quặng Fenpas hoặc cụm máy với dây chuyền sản xuất đồng bộ, tiên tiến như dây chuyền chiết rót nước uống đóng chai tự động, sản xuất đồ mộc mỹ nghệ, tôn, xà gồ, chế biến nông sản. Các mô hình trình diễn kỹ thuật đã giúp các cơ sở sản xuất thay thế dần máy móc sản xuất riêng lẻ, lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu, năng lượng…sang dây chuyền đồng bộ, thân thiện với môi trường.

Ngoài việc hỗ trợ các mô hình sản xuất mới, chương trình khuyến công cũng đã hỗ trợ các đơn vị áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, thông qua mô hình sản xuất gắn với bảo vệ môi trường như sản xuất vật liệu không nung, tái chế rác thải và các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Trong lĩnh vực chế biến cà phê, đã hỗ trợ nhiều máy móc thiết bị trong dây chuyền chế biến cà phê bột tại các huyện Ea H’leo, Cư M’gar, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ... Bên cạnh đó, chương trình khuyến công đã hỗ trợ chuyển giao cho các cơ sở công nghiệp nông thôn sử dụng máy sấy cà phê và nông sản theo công nghệ lò sấy tháp, máy sấy trống quay đảo trộn tự động nhằm thay thế công nghệ lò sấy nằm hiệu quả thấp, nhả khói gây ô nhiễm môi trường. Một trong những mô hình hiệu quả nhất trong lĩnh vực này là hệ thống máy chế biến cà phê ướt quy mô cụm hộ với công suất 1 tấn quả tươi/giờ được chuyển giao cho HTX nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Tân Định xã Dliê Ya, huyện Krông Năng trong năm 2016. Ông Đinh Công Định, Giám đốc HTX đánh giá, dây chuyền sản xuất đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao tay nghề cho 5 công nhân và giảm bớt sự phụ thuộc vào thời tiết.

Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ Đắc Hải đã chuyển từ lò đúc gang thủ công sang lò đúc công nghệ trung tần từ hỗ trợ của chương trình phát triển khoa học công nghệ lồng ghép khuyến công.
Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ Đắc Hải đã chuyển từ lò đúc gang thủ công sang lò đúc công nghệ trung tần từ hỗ trợ của chương trình phát triển khoa học công nghệ lồng ghép khuyến công.

Theo ông Trương Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương), việc chuyển giao công nghệ cho các DN, cơ sở sản xuất đã tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế, các đơn vị cần chủ động và mạnh dạn đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường.   

Năm 2017, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp sẽ thực hiện 1 đề án khuyến công quốc gia và 18 đề án khuyến công địa phương, trong đó, nội dung trọng tâm là xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nông thôn với 10 đề án, tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng.


Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.