Multimedia Đọc Báo in

Mất ngủ vì tiêu

08:19, 24/03/2017

Hàng nghìn trụ tiêu của các hộ nông dân chết đồng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Mặc dù người dân đã tìm mọi cách cứu chữa nhưng “lực bất tòng tâm”.  Trong khi đó, bước vào vụ thu hoạch, người trồng tiêu lại mất ăn mất ngủ trước nạn trộm cắp tiêu.

Lao đao vì tiêu chết hàng loạt

Trước đây gia đình anh Phạm Ngọc Hưng ở thôn 6, xã Phú Xuân(huyện Krông Năng) trồng cà phê. Sau hơn 20 năm khai thác, vườn cây ngày càng già cỗi, năng suất thấp nên năm 2007, gia đình đã chặt bỏ chuyển sang trồng tiêu và phát triển dần lên 800 trụ, trong đó có 500 trụ tiêu kinh doanh năm thứ 6. Những năm trước, mỗi năm gia đình anh thu được 2,5 tấn tiêu, bán với giá trung bình 170 triệu đồng/tấn, cũng thu được khoản lợi nhuận trên 350 triệu đồng/năm. “Mấy năm nay tiêu được mùa, gia đình tôi đang khấp khởi mừng thầm vì theo dự tính vụ tiêu 2016-2017 sẽ thu được trên 4 tấn, có thêm vốn để mở rộng sản xuất, nhưng thật không ngờ…”, anh Hưng cho hay.

Điều không ngờ anh Hưng nói đến chính là từ đầu năm 2016 đến nay, khoảng 650 gốc tiêu của gia đình bỗng dưng vàng lá, héo rũ và chết dần cây. Khi phát hiện tiêu chết, anh Hưng đã mời cán bộ khuyến nông đến tìm hiểu, tư vấn cách cứu chữa, đồng thời mua thuốc bảo vệ thực vật về phun tổng cộng 4 lần, tiêu tốn hết 25 triệu đồng nhưng vẫn không có kết quả. Số trụ tiêu ít ỏi còn lại chỉ cho thu hoạch khoảng 6 tạ, đã thế giá tiêu năm nay lại giảm thấp (khoảng trên dưới 100 nghìn đồng/kg), khiến gia đình thất thu một khoản tiền lớn. Những khu vực tiêu chết nhiều, gia đình anh Hưng đành chuyển sang trồng xen bơ và chanh dây.

            Cán bộ khuyến nông cơ sở kiểm tra vườn tiêu của gia đình anh Phạm Ngọc Hưng.   Ảnh:  M.Quyền
Cán bộ khuyến nông cơ sở kiểm tra vườn tiêu của gia đình anh Phạm Ngọc Hưng. Ảnh: M.Quyền

Gia đình ông Phạm Văn Hùng ở cùng thôn với anh Hưng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Bắt đầu trồng tiêu từ năm 2009, đến nay, gia đình ông Hùng phát triển được 450 gốc nhưng hiện chỉ còn khoảng 50 gốc. Điều đáng nói, số trụ tiêu còn sống cũng bắt đầu có hiện tượng vàng lá, phát triển chậm. Theo ông Hùng, mặc dù mỗi năm gia đình cũng đầu tư phun thuốc phòng trừ các loại bệnh: tuyến trùng, nấm, rệp sáp, chết nhanh, chết chậm và khi cây bị bệnh cũng phun nhiều loại thuốc điều trị nhưng… tiêu vẫn chết. Toàn thôn 6 có 21 ha tiêu, đến nay số diện tích tiêu chết đã lên đến 8 ha.

Toàn huyện Krông Năng hiện có trên 4.254 ha tiêu, trong đó có hơn 41 ha đã chết vì bệnh chết nhanh chết chậm, tập trung chủ yếu ở các xã: Phú Xuân, Phú Lộc, Tam Giang, Ea Đah và một số địa phương khác. Theo tìm hiểu của ngành Nông nghiệp huyện, nguyên nhân khiến tiêu chết hàng loạt là do đầu năm 2016 thời tiết khô hạn, cuối năm lại mưa nhiều và kéo dài, nhiều vườn cây không có rãnh thoát nước hoặc rơi vào vùng trũng thấp nên bị ngập úng. Vì vậy, khi chuyển sang đầu mùa khô năm nay, sức đề kháng của cây giảm, tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh tuyến trùng, nấm phát triển.

Ông Cao Xuân Sơn, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện cho biết, trước tình trạng trên, ngành Nông nghiệp huyện đã tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây tiêu; hằng tháng đều gửi thông báo khuyến cáo người dân đào rãnh thoát nước, thường xuyên tưới nước vào mùa khô để vườn cây xanh tốt, tăng sức đề kháng; những khu vực đất xấu, trũng thấp không nên trồng tiêu. Đối với số diện tích đất có tiêu đã chết cần cải tạo, xử lý kỹ mầm bệnh trước khi chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, hoặc nếu trồng lại cây tiêu cần chọn giống tốt, có khả năng kháng bệnh cao.

“Trắng đêm” coi tiêu

Bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2016-2017, nông dân huyện Cư M’gar nói chung và xã Cư Suê nói riêng đang lo lắng, đứng ngồi không yên trước nạn trộm cắp tiêu. Để bảo đảm an toàn cho vườn cây, người dân phải thức trắng đêm, luân phiên canh gác, không dám rời vườn tiêu cho đến khi thu hoạch xong.

Ông Phạm Ngọc Linh (thôn 2, xã Cư Suê) trong vườn tiêu của gia đình. Ảnh: H’Xíu
Ông Phạm Ngọc Linh (thôn 2, xã Cư Suê) trong vườn tiêu của gia đình. Ảnh: H’Xíu

Gia đình ông Phạm Ngọc Linh (thôn 2, xã Cư Suê) có 1 ha đất rẫy trồng cà phê xen khoảng 800 trụ tiêu giống Vĩnh Linh và tiêu trâu, mỗi năm cho thu hoạch hơn 3,5 tấn tiêu hạt. Những năm trước, vào khoảng thời gian này, gia đình ông đã thu hái được khoảng 50% diện tích. Nhưng năm nay do thời tiết diễn biến thất thường nên đến thời điểm này tiêu vẫn còn xanh, chưa thu hoạch đại trà được. Những vụ tiêu trước đây, gia đình ông cũng hay bị mất trộm tiêu, chủ yếu là phần dưới vừa tay hái chứ chưa có trường hợp bị bọn trộm giật toàn bộ dây tiêu trên trụ xuống rồi mới tuốt trái. Tuy nhiên, do giá tiêu ở mức cao so với các loại cây trồng khác nên để bảo đảm an toàn cho vườn tiêu, từ tháng 12 đến nay, ông Linh và các thành viên trong gia đình thay phiên nhau ở lại rẫy trông coi. Ông còn đầu tư mua lưới B40, mua trụ làm hàng rào xung quanh diện tích 1 ha rẫy với chi phí trên 30 triệu đồng.

Gia đình ông Huỳnh Văn Hiền (thôn 4) cũng có gần 7 sào đất rẫy trồng cà phê với khoảng 700 trụ tiêu đang kinh doanh và 5 sào rẫy trồng khoảng 800 trụ tiêu hiện cho thu bói. Năm ngoái, khu rẫy 5 sào tiêu cho thu bói của gia đình dù đã được rào lại bằng lưới B40 nhưng vẫn  bị kẻ xấu lẻn vào hái trộm 11 trụ. Năm nay, do tiêu còn rất xanh nên việc canh gác vườn cây kéo dài và vất vả hơn nhiều. Ông Hiền cho biết:“Ngoài việc thay phiên nhau canh gác, nhà tôi còn phối hợp với các chủ vườn tiêu gần đó để cùng nhau canh gác”. 

Hiện nay, xã Cư Suê có 300 ha hồ tiêu đang trong giai đoạn kinh doanh, chủ yếu được trồng xen trong vườn cà phê. Do giá tiêu ở mức cao so với các loại cây trồng khác nên tình trạng mất trộm tiêu rất “nóng” khiến người nông dân rất lo lắng bởi vì chỉ cần sơ suất thì kẻ trộm có thể lẻn vào vườn hái trộm tiêu bất cứ lúc nào, có trường hợp kẻ gian còn giật toàn bộ dây tiêu trên trụ xuống rồi mới tuốt trái khiến vườn tiêu bị phá hoại, mất nhiều năm mới phục hồi lại được.

Trước tình hình nạn trộm cắp tiêu diễn biến phức tạp, xã Cư Suê đã triển khai các biện pháp bảo vệ vụ thu hoạch tiêu năm 2016-2017 như: thành lập 11 tổ an ninh trật tự tại 11 thôn, buôn (mỗi tổ từ 5 - 10 thành viên) thường xuyên tuần tra khu vực mình quản lý từ trước đến khi thu hoạch xong tiêu; phối hợp với các tổ chức đoàn thể, thôn, buôn tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, không để kẻ xấu có cơ hội thực hiện hành vi trộm cắp, cắt cử người thân trong gia đình luân phiên trông coi vườn tiêu, không thu hái, mua bán tiêu xanh non để bảo đảm năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, xã cũng đã lập danh sách các đối tượng có tiền án về tội trộm cắp tài sản và thường xuyên kiểm tra nhân hộ khẩu, đăng ký trạm trú của các đối tượng vào xã.

Mạnh Quyền - H’Xiu Êban


Ý kiến bạn đọc