Những cơ hội "mở" từ Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên
Quảng bá, giới thiệu về tiềm năng và thế mạnh của khu vực; thu hút đầu tư từ các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước; cùng trao đổi, học tập kinh nghiệm... hứa hẹn là những cơ hội mở từ Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017 được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào ngày 11-3.
Từ bước đệm của hội nghị đầu tiên
Tháng 9-2009, tại TP. Buôn Ma Thuột, Diễn đàn xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ nhất được tổ chức đã tạo ra “cú hích" cần thiết cho hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên. Cũng từ hội nghị này đã tạo những thay đổi về nhận thức chung trong công tác xúc tiến đầu tư. Số dự án và số vốn đăng ký đầu tư tăng lên đã tạo được nguồn lực phát triển, góp phần bảo đảm sự ổn định của toàn vùng. Kinh tế của vùng đã chuyển dịch mạnh và phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Cùng với việc giới thiệu tiềm năng kinh tế, cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, tại Diễn đàn, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã công bố hơn 120 dự án kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực với tổng số vốn gần 100.000 tỷ đồng. Sự thành công của Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên 2009 đã tạo bước đệm quan trọng cho những hội nghị xúc tiến tiếp theo trong việc mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Tây Nguyên, góp phần xây dựng Tây Nguyên ngày càng phát triển, trở thành một vùng kinh tế động lực theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị.
Du khách tìm hiểu về các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Tây Nguyên tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6. Ảnh: M. Thông |
Tuy nhiên những thành tựu, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Tiềm lực kinh tế và trình độ phát triển của khu vực này còn ở mức thấp đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong việc tổ chức khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, huy động các nguồn lực cho phát triển. Do đó các hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút doanh nghiệp được Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các bộ, ngành Trung ương đặc biệt quan tâm, duy trì qua các năm. Thông qua mỗi diễn đàn đã có những định hướng đầu tư đi đôi với nâng cao hiệu quả đầu tư về mặt xã hội, gắn kết với các hoạt động an sinh xã hội. Đồng thời, tạo sự gắn kết chặt chẽ của các cơ quan trung ương và địa phương trong việc duy trì thúc đẩy một cách hiệu quả và liên tục hoạt động đầu tư vào khu vực này.
Tiếp tục mở ra nhiều cơ hội mới
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, sau 3 lần tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực, việc thu hút vốn đầu tư đã tạo ra chuyển biến tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Với mục tiêu, thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển nhanh, bền vững, Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017 đặc biệt chú trọng đến các giải pháp thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch đi vào chiều sâu, quy mô, thực chất. Đồng thời, tạo điều kiện, cơ hội cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương và trao đổi về khả năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi đại gia súc; công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ du lịch, tín dụng, phát triển các nguồn năng lượng sạch. Tại Hội nghị lần này, các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên sẽ tập trung đánh giá kết quả phát triển kinh tế và thu hút đầu tư trong thời gian qua; giới thiệu định hướng ưu tiên thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của khu vực giai đoạn 2016-2020; các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, danh mục các dự án mời gọi đầu tư giai đoạn 2016-2020.
Đại diện ngành Ngân hàng trao 100 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội vùng Tây Nguyên tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 3 năm 2015. |
Ngoài những cơ hội hợp tác, đầu tư, Hội nghị lần này cũng mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương vùng Tây Nguyên về những hạn chế, khó khăn và cùng nhau tìm giải pháp khắc phục; cam kết chặt chẽ của các cơ quan trung ương và địa phương trong việc duy trì một cách hiệu quả và liên tục hoạt động đầu tư, đồng thời thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp tại địa bàn này.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, sau 4 năm kể từ ngày Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức, toàn vùng đã thu hút khoảng 169 dự án từ các nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 900 triệu USD. Hội nghị lần thứ hai được tổ chức vào tháng 4-2013 tại TP. Pleiku (Gia Lai) có 13 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với tổng số vốn gần 16.200 tỷ đồng và 11,5 triệu USD, ngành Ngân hàng cam kết đầu tư vốn tín dụng cho các dự án gần 23.900 tỷ đồng. Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 3 được tổ chức năm 2015 tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), các tỉnh Tây Nguyên đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án của 13 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư đăng ký lên đến 16.643 tỷ đồng; ngành Ngân hàng ký hợp đồng tín dụng cam kết đầu tư vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng. |
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc