Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực xây dựng thương hiệu hồ tiêu Cư Kuin

14:09, 15/03/2017

Phát triển mạnh khoảng 10 năm trở lại đây, cây tiêu đã thực sự trở thành cây công nghiệp hàng hóa mang lại lợi nhuận cao cho người dân huyện Cư Kuin… Với mong muốn làm tăng thêm chuỗi giá trị cho cây tiêu, trong thời gian qua, chính quyền huyện Cư Kuin đã triển khai thực hiện quy trình xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Hồ tiêu Cư Kuin”.

Huyện Cư Kuin hiện có gần 4.000 ha hồ tiêu, trong đó có gần 2.400 ha tiêu kinh doanh, năng suất bình quân đạt trên 3,5 tấn/ha, sản lượng bình quân hằng năm đạt gần 9.000 tấn. Mặc dù diện tích và sản lượng lớn nhưng hầu hết người trồng tiêu trên địa bàn huyện vẫn chưa chú trọng đến quy trình chăm sóc; chất lượng sản phẩm chưa được quản lý một cách bài bản; việc tiêu thụ sản phẩm làm ra thiếu ổn định nên hiệu quả kinh tế chưa thật sự cao, giá bán còn bấp bênh.

Nông dân Lê Văn Ngọc (thôn 24, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) đang chăm sóc vườn tiêu.
Nông dân Lê Văn Ngọc (thôn 24, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) đang chăm sóc vườn tiêu.

Làm sao để nâng cao giá trị của cây tiêu cũng là mối quan tâm của nhiều nông dân trồng tiêu trên địa bàn huyện Cư Kuin. Gia đình ông Lê Văn Ngọc (thôn 24, xã Ea Ning) hiện có 1 ha hồ tiêu, bình quân mỗi năm thu hoạch từ 8-9 tấn tiêu khô, sau khi trừ chi phí thu nhập từ 800-900 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Ngọc luôn băn khoăn vì sao tiêu Cư Kuin không thua kém các vùng khác nhưng giá bán thường thấp hơn mà hay bị thương lái ép giá... Ông Ngọc chia sẻ: “Nghề trồng tiêu khá rủi ro, không chỉ lo tiêu bị sâu bệnh, mất mùa mà lúc nào cũng nơm nớp vì giá lên xuống thất thường. Vì vậy, tôi rất hy vọng huyện sẽ xây dựng thành công thương hiệu riêng cho hồ tiêu Cư Kuin, tạo bước khởi đầu giúp “Hồ tiêu Cư Kuin” phát triển tốt, có thị trường ổn định, có thể xuất sang các nước với chính thương hiệu của mình, giá cả ít bấp bênh, tạo thu nhập ổn định cho người trồng tiêu”.

Trước yêu cầu thiết thực từ người trồng tiêu trên địa bàn, tháng 9-2014, UBND huyện Cư Kuin đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Masterbrand (TP. Hồ Chí Minh) lập hồ sơ và tiến hành thực hiện xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Hồ tiêu Cư Kuin" gắn với sản phẩm là hạt tiêu đen. Đồng thời, UBND huyện cùng với các phòng, ban chức năng, UBND các xã đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất và chế biến hồ tiêu trên địa bàn nhằm xây dựng các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch tiêu theo đúng quy trình của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quy định. Việc xây dựng quy trình chuẩn với các bước như: Xác định đặc tính, so sánh đánh giá chất lượng hồ tiêu Cư Kuin với sản phẩm hồ tiêu của các vùng khác; thiết kế, lựa chọn và khẳng định mẫu nhãn hiệu đáp ứng yêu cầu bảo hộ… được thực hiện theo yêu cầu của đơn vị tư vấn để nâng cao chất lượng sản phẩm cho hồ tiêu Cư Kuin.

Ông Nguyễn Năng Chung, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về cách trồng, chăm sóc hồ tiêu theo đúng quy trình, trong đó chú trọng các khâu phòng chống sâu bệnh hại trên cây tiêu; triển khai xây dựng các mô hình trình diễn về kỹ thuật chăm sóc tiêu bền vững, phòng chống bệnh vàng lá chết nhanh chết chậm cho người dân trên địa bàn nhằm hình thành vùng sản xuất tiêu năng suất, chất lượng cao...  Thông qua  các lớp tập huấn, bà con đã nhận thức được phòng bệnh là chính và biết cách lựa chọn giống tiêu có khả năng kháng bệnh cao, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vườn tiêu nên hạn chế sâu bệnh hại và vườn tiêu phát triển tốt.

Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai tích cực, tiêu Cư Kuin đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) chấp nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Hồ tiêu Cư Kuin” tại Quyết định số 6442/QĐ-SHTT ngày 10-10-2016. Để cụ thể hóa điều này, sắp tới huyện sẽ xây dựng một số mô hình chế biến tiêu bằng máy và thực hiện liên kết “4 nhà” nhằm tạo ra sản phẩm tiêu xuất khẩu đáp ứng được các tiêu chí khắt khe trên thị trường thế giới. Giấc mơ thương hiệu “Hồ tiêu Cư Kuin” đang dần trở thành hiện thực như mong ước bấy lâu của nông dân trồng tiêu ở đây…

Quỳnh Liên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.