Nông dân M'Đrắk thiệt hại nặng vì tiêu chết
Hiện nay, tình trạng hồ tiêu chết vẫn tiếp tục diễn ra trên địa bàn huyện M’Đrắk. Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến trung tuần tháng 3-2017, huyện M’Đrắk đã có gần 200 ha hồ tiêu bị chết, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, đẩy nông dân trồng tiêu vào cảnh khốn khó.
Anh Vũ Văn Đọc trong vườn tiêu chết chỉ còn trơ trụ. (Ảnh: Tiến Ninh) |
Gia đình anh Vũ Văn Đọc (thôn 1, xã Krông Á) đầu tư trên 300 triệu đồng để trồng 700 trụ tiêu, trong đó có 400 trụ tiêu kinh doanh. Niên vụ trước, gia đình anh thu được trên 500 kg tiêu khô, với giá bán 130.000 đồng/kg anh thu lãi 65 triệu đồng. Anh Đọc hy vọng năm nay vườn tiêu sẽ cho thu nhập cao hơn, nhưng mùa mưa kéo dài đã khiến 400 trụ tiêu kinh doanh của gia đình anh chết trơ trụi. Anh Đọc cho biết, khi mới phát hiện một số trụ tiêu chết rải rác, gia đình anh đã mua thuốc về chữa trị nhưng không thấy hiệu quả mà diện tích tiêu chết lại lan nhanh làm toàn bộ diện tích tiêu kinh doanh chết hết, gần chục triệu đồng mua thuốc coi như “đổ sông, đổ bể”, thiệt hại càng nặng nề hơn.
Tính đến trung tuần tháng 3-2017, toàn huyện M’Đrắk đã có gần 200 ha tiêu bị chết (trong đó xã Ea Lai có 120 ha; Krông Á 22 ha và hàng chục ha tại các xã khác); nguyên nhân chủ yếu do ngập úng và các bệnh chết nhanh, chết chậm, nấm, vi rút... |
Là hộ đầu tiên trồng hồ tiêu tại thôn 1, xã Krông Á (huyện M’Đrắk), hơn chục năm nay gia đình ông Nguyễn Văn Yên có nguồn thu nhập cao và ổn định từ cây tiêu (300 - 400 triệu đồng/năm), đặc biệt năm 2015 tiêu được mùa được giá, gia đình ông thu trên 600 triệu đồng từ cây tiêu. Hiện gia đình ông Yên có trên 1.200 trụ tiêu, trong đó 800 trụ tiêu kinh doanh và 400 trụ trồng từ năm thứ nhất đến năm thứ ba; nhiều trụ tiêu có tuổi thọ trên chục năm, cao trên 8 m, có tán rộng hơn 2 m, mỗi vụ cho thu từ 8 – 10 kg tiêu khô.
Ông Yên cho biết, sau mùa mưa những năm trước vườn tiêu của gia đình ông cũng chỉ chết một vài trụ, nhưng năm nay mưa lớn và kéo dài đã làm chết đến 600 trụ (trong đó 400 trụ kinh doanh). Tiêu không những bị chết trong mùa mưa mà khi nắng lên cây tiêu vẫn tiếp tục chết, đặc biệt có những bệnh không thể chữa trị được như bệnh thán thư (lá tiêu bị khô dần và rụng, sau đó phần cuống cũng rụng dần chỉ còn trơ thân). Hàng trăm trụ tiêu chết khiến sản lượng tiêu năm nay của gia đình ông Yên giảm hơn một nửa, ước tính chỉ thu được hơn trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Yên lo lắng vì các trụ tiêu cao trên 8m đang trĩu quả bị nhiễm bệnh thán thư. (Ảnh: Tiến Ninh) |
Theo thống kê, huyện M’Đrắk hiện có hơn 580 ha tiêu, tập trung chủ yếu ở xã Ea Lai (327 ha), xã Krông Á (60 ha), xã Ea Mđoal (58 ha) và rải rác ở các xã Krông Jing, Ea Pil và Ea Riêng (trong đó nhiều diện tích do người dân trồng tự phát, không trong quy hoạch). Theo các chuyên gia về tiêu, các diện tích đất trồng tiêu sau khi bị dịch bệnh chết thì không thể trồng lại ngay được mà phải chờ từ 3 - 4 năm sau khi diệt hết các loại vi rút, nấm hại trong đất mới trồng lại được.
Hiện tượng tiêu chết hàng loạt trên địa bàn huyện M’Đrắk cũng là lời cảnh báo về hậu quả của việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng không theo quy hoạch, phát triển ồ ạt.
Tiến Ninh – Đức Khá
Ý kiến bạn đọc