Multimedia Đọc Báo in

Phát triển cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu: Đâu là giải pháp?

07:29, 31/03/2017

Kỳ cuối: Tiết kiệm nguồn nước và sử dụng giống mới

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được xem là giải pháp quan trọng để giúp cây cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Tuy nhiên, để phổ biến được việc này vào thực tiễn sản xuất, rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước và cái “bắt tay” giữa doanh nghiệp với nông dân.

Sản xuất nhiều cà phê hơn với ít nước tưới hơn

BĐKH đang làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, là nguyên nhân gây ra hạn hán, thiếu nước ở khu vực Tây Nguyên, trong khi diện tích được tưới từ các công trình thủy lợi chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại diện tích tưới bằng nguồn nước sông, suối, ao, giếng... khá bấp bênh. Bên cạnh đó, nhiều nông dân còn tưới nhiều nước hơn nhu cầu của cây gây thất thoát và làm suy giảm mực nước ngầm ở giai đoạn cuối mùa khô. Theo Tiến sĩ Dave D’haeze, Công ty TNHH tư vấn cà phê – EDE Việt Nam, bằng việc ứng dụng công nghệ mới Việt Nam có thể sản xuất nhiều cà phê hơn với ít nước tưới hơn, bởi cây cà phê chỉ cần đủ nước để kích thích hoa nở trong các tháng mùa khô, với khoảng 400 lít/cây/lần tưới và kết quả này đã được kiểm chứng thành công qua các mô hình trình diễn. Ngoài ra, tại các vùng trọng điểm về sản xuất cà phê như thị xã Buôn Hồ, Krông Năng, Cư M’gar… có thể bổ sung nước ngầm nhân tạo thông qua hệ thống bể lọc nhân tạo (cát, đá nhỏ, đá lớn) kết hợp với giếng nước. Hệ thống bổ sung nước ngầm thu gom nước từ các dòng chảy tự nhiên trên đồng ruộng, rồi dẫn lượng nước này theo nguyên tắc tự chảy vào một bể lọc cát trước khi cho chảy vào giếng của nông dân. Hoạt động bổ sung nước ngầm nhân tạo đã được đề xuất làm phương tiện để người dân có thể chủ động trong việc khắc phục tình trạng thiếu nước bằng cách cải tạo các giếng tưới, sử dụng lượng nước chảy dư thừa sẵn có trong tự nhiên nhằm tăng lượng nước ngầm cho đất. Phương pháp này có chi phí rất thấp, người dân có thể áp dụng rộng rãi và tăng cường khả năng ứng phó của người trồng cà phê tiểu điền trong bối cảnh BĐKH hiện nay.

Mô hình tưới  tiết kiệm nước đầu phun mưa tại gốc cà phê  ở huyện Cư Kuin.
Mô hình tưới tiết kiệm nước đầu phun mưa tại gốc cà phê ở huyện Cư Kuin.

Tương tự, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng nghiên cứu và đưa ra giải pháp kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trên cơ sở cải tiến kỹ thuật tưới nhỏ giọt. Theo đó, nước được tưới theo đầu phun mưa tại các gốc cà phê nên thấm đều cả bồn cây. Với phương pháp này, nông dân có thể kết hợp bón phân qua nước, cho phép cung cấp dinh dưỡng đều và chủ động, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giảm suy thoái và ô nhiễm môi trường. Hệ thống này được lắp đặt đơn giản và giá rẻ từ 20-40 triệu đồng/ha (tùy vật liệu); lượng nước tưới được phân phối trực tiếp đến từng cây 60 – 80 lít/giờ/gốc, thời gian tưới chỉ cần tối đa 4 – 5 giờ là đủ nước cho cây ra hoa hiệu quả. Qua kết quả thử nghiệm tại nhiều vườn cà phê cho thấy các mô hình tiết kiệm hơn 20% lượng nước tưới và lượng phân bón, tiết kiệm được 15 triệu đồng/ha và cây vẫn phát triển tốt và không bị ảnh hưởng tới năng suất.

Ứng dụng giống mới

Hiện nay rừng không còn nhiều, lượng khí thải ngày càng gia tăng, nhiệt độ, tốc độ gió cũng tăng theo làm thay đổi môi trường sống của cây cà phê. Trong khi đó, đa số diện tích cà phê đều đã trồng cách đây trên dưới 20 năm với bộ giống cũ, sức đề kháng, chống chịu sâu bệnh thấp. Do đó, các nhà khoa học khuyến cáo người dân nên ứng dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt vào sản xuất. Cụ thể, tại vùng có đủ điều kiện về nước tưới thì có thể sử dụng bộ giống chín trung bình vào đầu tháng 11 đến giữa tháng 12 (TR4, TR5, TR7, TR8, TR3) và bộ giống chín hơi muộn vào giữa tháng 11 đến cuối tháng 12 (TR9, TR11, TR12); vùng có điều kiện khó khăn về nguồn nước tưới thì sử dụng giống chín muộn tầm tháng 1 đến đầu tháng 2 năm sau như TR6. Ngoài ra, giống TRS1 (lai giữa TR4, TR9, TR11, TR12) có khả năng kháng bệnh gỉ sắt cao. Chị Nguyễn Thị Sao, xã Ea Knuếc (huyện Krông Pắc) cho biết, vườn cà phê 2 ha của gia đình được trồng bằng giống TR4 nên năng suất bình quân trên 4,5 tấn nhân/ha, thậm chí niên vụ 2014-2015 năng suất đạt tới 7 tấn cà phê nhân/ha.

Kiểm tra van ống dẫn nước vườn cà phê tưới tiết kiệm nước tại huyện Cư Kuin.
Kiểm tra van ống dẫn nước vườn cà phê tưới tiết kiệm nước tại huyện Cư Kuin.

Tiến sĩ Trương Hồng cho biết thêm, thay đổi giống là giải pháp hiệu quả, tiết kiệm và thích hợp nhất đối với nội tại ngành cà phê hiện nay. Bởi, diện tích cà phê già cỗi cần tái canh ngày càng cao đang đe dọa sản lượng của ngành trong tương lai. Trong khi đó, Việt Nam lại là một trong những nước đứng đầu ngành sản xuất cây giống cà phê với những giống có năng suất 4,5-5,5 tấn/ha, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Việc thay thế giống có thể thực hiện bằng cách tái canh hoặc cưa đốn, ghép cải tạo bằng chồi giống mới để bảo đảm năng suất, thu nhập trong tương lai. Đồng thời, các địa phương cũng cần đầu tư các trạm thời tiết chuyên dụng góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH; ứng dụng công nghệ truyền thông đa phương tiện, chuyển tải các thông tin thời tiết nông vụ, khuyến nông, kỹ thuật chăm sóc cà phê và khuyến cáo tưới tiết kiệm giúp nông dân chủ động ứng phó với BĐKH. 

Minh Thuận - Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.