Multimedia Đọc Báo in

Sửa chữa lưới điện không cần cúp điện

09:57, 10/03/2017

Nghề thợ điện vốn nguy hiểm, nhưng càng mạo hiểm hơn khi tiến hành khắc phục sự cố trực tiếp trên đường dây đang tải điện. Lần đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên, có một đội sửa chữa điện nóng (gọi là đội Hotline) thuộc Công ty Điện lực Đắk Lắk chuyên tiến hành thao tác trong hoàn cảnh như thế.

Công việc nguy hiểm

Một ngày cuối tháng 2, trong cái nắng gay gắt giữa mùa khô Tây Nguyên, nhận được tin trụ số 34/65A/4 của đường dây 473HT trên đường Phạm Hùng, TP. Buôn Ma Thuột bị phóng điện, các thành viên của đội Hotline lại tất bật chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến hành thực hiện nhiệm vụ thay thế sứ cách điện. Sau khi đã hoàn thành các biện pháp cảnh báo an toàn cho cộng đồng tại hiện trường, chuẩn bị đồ nghề và trang cụ an toàn bảo vệ cá nhân, chiếc xe gàu cách điện đưa hai thành viên lên cao, cách mặt đất hơn chục mét, tiến sát đường dây đang có điện và cột có sứ bị hỏng. Mang găng tay, trang cụ bảo hộ cách điện lên người, họ lần lượt bọc những tấm nhựa, thảm cách điện vào đường dây phủ lên những điểm hở để đề phòng phóng điện. Đây là công đoạn tiên quyết trong suốt quá trình khắc phục sự cố mà không cần phải ngắt điện, đòi hỏi phải hết sức chỉn chu, chính xác trong từng động tác để bảo đảm an toàn tuyệt đối. Thao tác được tiến hành tuần tự, từ việc bọc dây ngoài cùng đến dây giữa, dây trong cùng, sau đó là đến các quả sứ cần thay thế. Bọc cách điện đường dây xung quanh khu vực sửa chữa xong, hai nhân viên lại cẩn thận bọc các quả sứ, xà đỡ sứ và tiến hành các thao tác để thay thế sứ mới. Công việc được đội tiến hành trong khoảng thời gian hơn 1 giờ đồng hồ thì hoàn thành.

Theo anh Nguyễn Văn Sỹ, Phó trưởng phòng An toàn Công ty Điện lực Đắk Lắk, đường dây này đang mang điện 22 kV, điện áp gấp  100 lần so với điện áp sử dụng tại các hộ gia đình. Thi công trong điều kiện như thế không cho phép bất cứ sự bất cẩn nào có thể xảy ra. Ở trên cao chót vót, bao bọc xung quanh là dòng điện mang truyền tải lớn, do đó, mọi thao tác của người công nhân trực tiếp làm đều phải tập trung cao độ và nằm trong tầm kiểm soát, kỹ năng làm việc thuần thục đúng quy trình. Nguyên tắc cách điện giữa người và các các vật dụng mang theo trên người với  đường dây đang mang điện phải bảo đảm qua 2 lớp cách điện luôn luôn được  người thợ Hotline  tuân thủ tuyệt đối.

Đội Hotline tiến hành bọc tấm cách điện xung quanh khu vực sự cố để sửa chữa trên đường dây đang mang điện.
Đội Hotline tiến hành bọc tấm cách điện xung quanh khu vực sự cố để sửa chữa trên đường dây đang mang điện.

Được biết, trước đây, cũng với sự cố trên, nếu sửa chữa theo phương pháp thông thường thì phải ngắt điện toàn bộ số hộ đang sử dụng tại khu vực này và có khi phải xử lý mất cả ngày mới xong. Chưa kể, trước khi muốn xử lý phải thực hiện thao tác cô lập, phân đoạn và thông báo cho khách hàng được biết trước 5 ngày.

Không còn cảnh ngắt điện khi sửa chữa, bảo trì

Từ cuối tháng 4-2016, Công ty Điện lực Đắk Lắk đưa phương pháp này để tiến hành sửa chữa sự cố điện trên địa bàn. Đây là đơn vị đầu tiên của khu vực Tây Nguyên đầu tư thiết bị, triển khai thành công việc sửa chữa điện nóng.

Đội Hotline hiện có 8 thành viên, trong đó có 1 kỹ sư điện và 7 công nhân kỹ thuật lành nghề,  được trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện sửa chữa điện nóng gồm: xe gàu, dụng cụ đồ nghề, thiết bị cách điện bảo hộ cách điện cá nhân… với tổng kinh phí lên đến hơn 23 tỷ đồng. Nhiệm vụ của đội là thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế, đấu nối các thiết bị và vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao trên lưới đang mang điện 22 kV, 35 kV.

 
Việc sửa chữa, thao tác trên lưới điện mà không cần phải cúp điện góp phần không nhỏ tránh làm ảnh hưởng đến khách hàng sử dụng điện và tiết kiệm được nhân lực cho đơn vị. Đây là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện chủ trương đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao độ tin cậy trong cung cấp điện, phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn của ngành Điện địa phương" 
 
Ông Tạ Minh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk

Trước đó,  8 thành viên này được đào tạo hơn 4 tháng tại Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, thực hiện thành thạo những bài thực hành theo quy trình đối với các tình huống có thể xảy ra trên lưới điện. Trải qua 2 kỳ sát hạch không điện và có điện, tất cả các thành viên đã đáp ứng được yêu cầu với các nội dung thực tế như: xử lý mối tưa, thay sứ đứng, sứ treo, FCO, LA, thay xà ngang, xà chữ A; đấu nối máy biến áp bố trí trên 1 trụ và đấu nối máy biến áp bố trí trên 2 trụ tâm 2,5 m.

Đến thời điểm này, Đội đã thực hiện hơn 50 lần sửa chữa trên lưới đang mang điện 22 kV,  thực hiện vệ sinh các bộ phận cách điện của 800 vị trí trụ và 38 trạm  biến áp phụ tải. Tất cả các công việc đều bảo đảm an toàn, đúng quy trình, giảm thời gian mất điện.

Là Đội sửa chữa điện nóng nên bất cứ khi nào, ở đâu có sự cố là các thành viên trong đội lại sẵn sàng đồ nghề, xe gàu để lên đường làm nhiệm vụ. Bao giờ cũng thế, cứ mỗi lần xử lý sự cố thì phải có ít nhất 6 người, bốn người ở dưới gồm người chỉ huy trực tiếp, người giám sát an toàn, cảnh giới an toàn cho cộng đồng, phụ việc, 2 người lên xe gàu tiến hành xử lý trực tiếp.

Anh Nguyễn Văn Đức, Đội trưởng Đội Hotline chia sẻ: “Ban đầu khi mới được tuyển chọn, bản thân rất lo lắng, không biết có đảm nhận được hay không, bởi đây là nghề sử dụng công nghệ hoàn toàn mới, nhưng cuộc “chạm trán” nào cũng đòi hỏi sự dũng cảm và tính cẩn thận. Bây giờ, mỗi khi leo lên xe gàu, tôi cảm thấy tự hào vì đang khắc phục cố mà người dân vẫn sử dụng điện như thường…”.                                                                           

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.