Thông tư 39 có hiệu lực: Cần hiểu đúng để tiếp cận vốn vay
Theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), trong thời gian tới, những đối tượng không phải là pháp nhân sẽ không không được vay vốn tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (các tổ chức tín dụng).
Theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, từ ngày 15-3 tới, các đối tượng không phải là pháp nhân (hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân – gọi tắt là hộ kinh doanh) không đủ tư cách chủ thể vay vốn. Trường hợp vay phục vụ hoạt động kinh doanh, cá nhân có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ. Theo Giám đốc NHNN Chi nhánh Đắk Lắk Tăng Hải Châu, Thông tư này được ban hành nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý mới về cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Bởi theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Do đó, NHNN đã bổ sung quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng tại Thông tư 39 để phù hợp với Bộ luật này.
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk |
Ông Tăng Hải Châu cho rằng, Thông tư 39 thoạt nghe có vẻ bó hẹp đối tượng được vay vốn, nhưng thực chất lại có tính chất mở rộng hơn khi mà mỗi cá nhân trong hộ gia đình có thể tự đứng ra vay vốn nếu đáp ứng được các yêu cầu từ phía ngân hàng. Cụ thể, trước thời điểm Thông tư 39 có hiệu lực, quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng phải tuân thủ Quyết định 1627/QĐ-NHNN, ngày 31-12-2001. Đối với hộ gia đình, hợp tác xã… muốn vay vốn phải được sự chấp thuận của đầy đủ các thành viên có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong khi đó, theo Thông tư 39, mỗi cá nhân trong hộ gia đình, HTX đều có thể vay vốn nếu đáp ứng các yêu cầu từ phía ngân hàng.
Để đáp ứng những quy định của Thông tư này, các ngân hàng trên địa bàn cũng đã có những điều chỉnh phù hợp. Theo đại diện một ngân hàng thương mại Nhà nước tại TP. Buôn Ma Thuột, hộ kinh doanh là một trong những đối tượng khách hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu cho vay của đơn vị. Do đó, để phù hợp với quy định mới tại Thông tư 39, các hồ sơ vay vốn của những khách hàng là hộ kinh doanh đang có dư nợ sẽ được giữ nguyên hiện trạng. Những khoản vay phát sinh sau ngày 15-3-2017, tất cả đối tượng khách hàng sẽ được điều chỉnh theo quy định của Thông tư 39. Như vậy, khách hàng, nhất là các hộ gia đình không phải băn khoăn trước những thông tin buộc phải lên doanh nghiệp để có pháp nhân khi vay vốn theo quy định mới.
Trên địa bàn Đắk Lắk hiện có trên 30 nghìn hộ kinh doanh đang tạo ra nhiều việc làm và là nguồn thu quan trọng của ngân sách địa phương. Tương ứng với đó là rất nhiều cá nhân liên quan có khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn. Vì vậy, theo NHNN, việc vận dụng đúng, hợp lý Thông tư 39 sẽ mở ra cơ hội tiếp cận vốn vay cho rất nhiều đối tượng có nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc