Triển vọng từ Dự án Phát triển bền vững cà phê tại Việt Nam và Cuba
Với mục đích đẩy mạnh năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, chế biến, Dự án Phát triển bền vững cà phê tại Việt Nam và Cuba đang mở ra nhiều triển vọng cho ngành cà phê hai nước.
Dự án Phát triển bền vững cà phê tại Cuba và Việt Nam là dự án hữu nghị hợp tác được Chính phủ Cuba và Chính phủ Việt Nam đồng tài trợ; Bộ nông nghiệp Cuba (MINAG), Bộ NN-PTNT Việt Nam (MARD) đồng chủ quản; Viện Nghiên cứu Nông Lâm Cuba, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đồng chủ trì thực hiện. Dự án được triển khai từ năm 2016-2020 nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu chọn tạo giống cà phê; trao đổi nguồn gen để sử dụng cho sản xuất và làm nguồn vật liệu tạo giống; nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ và đào tạo của mỗi bên…
Sau chặng đường 8 tháng thực hiện Dự án (tháng 6-2016 đến tháng 2-2017), Việt Nam và Cuba đã có những bước hợp tác, thực hiện hiệu quả nhiều nội dung. Cụ thể, đoàn chuyên gia Cuba đã được tham quan, tìm hiểu về kinh nghiệm, phương thức chọn tạo giống (sản xuất cây giống theo cách truyền thống, ghép, nuôi cấy mô tế bào); tham quan thực tế tại các mô hình sản xuất cà phê khác nhau của người dân và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, từ đó trao đổi kinh nghiệm để hai bên cùng hiểu hơn những lợi thế và bất cập khi sử dụng các hệ thống tưới nước khác nhau; lắp đặt, vận hành hệ thống tưới tiết kiệm nước trên vườn cà phê vối; quá trình thu hoạch, chế biến và bảo quản cà phê vối, cà phê chè… Đồng thời, cùng thảo luận, trao đổi những kiến thức và kinh nghiệm chế biến ướt, chế biến khô cho cà phê chè, cà phê vối; các công đoạn bảo quản, xay xát, đóng gói và tận dụng hiệu quả những phế phụ phẩm từ quá trình chế biến cà phê.
Cán bộ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên hướng dẫn Đoàn chuyên gia Cuba kỹ thuật lai sản xuất hạt cà phê giống tại vườn thực nghiệm. |
Cũng trong thời gian trên, cán bộ Việt Nam được các chuyên gia Cuba chia sẻ về những cách thức nhân giống cà phê của nước bạn; cách ươm giống, ghép dưới trục hạ diệp giữa cây cà phê vối và cà phê chè để lấy những ưu điểm nổi trội của từng loại (lấy bộ rễ khỏe của cà phê vối, chất lượng thơm ngon của cà phê chè); kinh nghiệm phòng, trị các loại sâu bệnh hại đặc trưng trên cây cà phê theo phương pháp hữu cơ; triển khai mô hình làm bẫy thủ công mọt đục cành đục quả cà phê trên diện tích 2 ha...
Tiến sĩ Trịnh Khắc Quang, Giám đốc Dự án phía Việt Nam cho biết
|
Tùy thuộc vào điều kiện sinh thái của những khu vực trồng cà phê tại Cuba và Việt Nam mà đôi bên có thể chuyển giao, ứng dụng những công nghệ tiên tiến phù hợp vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cà phê của hai nước. Hiện nay, Cuba có khoảng 66.000 ha cà phê (cà phê chè chiếm khoảng 70% tổng diện tích), trong đó 45.000 ha kinh doanh, năng suất bình quân chỉ đạt 1,8-2 tạ/ha, sản lượng hằng năm hơn 8.000 tấn nên Cuba vẫn phải nhập khẩu khoảng 8.000 tấn để chế biến, tiêu thụ trong nước. Ngược lại, cà phê Robusta của Việt Nam lại có năng suất, sản lượng lớn nhất thế giới nên qua quá trình hợp tác, Việt Nam đã hỗ trợ Cuba 40 kg hạt cà phê giống chất lượng cao; xây dựng mô hình cà phê tại tỉnh Santiago và Granma (Cuba) với tổng diện tích hơn 36 ha (cà phê vối 30 ha, cà phê chè 4 ha, vườn nhân giống hơn 2 ha). Đến thời điểm này, các địa phương cơ bản hoàn thành công đoạn gieo ươm hạt giống cà phê vối, cà phê chè, rong tỉa 165 cây cà phê vối, hoàn thành cưa tỉa cây che bóng tại các mô hình ghép cải tạo, chuẩn bị phân hữu cơ cho các mô hình… Từ những vườn ươm, mô hình này, hy vọng tương lai gần, Cuba sẽ sản xuất đủ lượng cà phê cần dùng và tiến tới xuất khẩu cà phê ra thị trường thế giới.
Được biết, diện tích, năng suất cà phê của Cuba tuy thấp nhưng công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ lại phát triển mạnh, đây là điều Việt Nam rất cần học tập để khắc phục những nhược điểm, bất cập của ngành cà phê hiện nay. Cụ thể, Việt Nam đang học tập các kỹ năng, kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ vi sinh, sản xuất chế phẩm sinh học vi sinh, phân bón vi sinh, thuốc BVTV vi sinh để bổ sung vi sinh vật có ích cho cây trồng, trả lại nguồn dinh dưỡng hữu cơ trên đồng ruộng.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc