Chuyện làm ăn
Chớ nên nóng vội
08:26, 27/04/2017
Những năm gần đây, dịch bệnh trên các loại cây trồng ngày càng gia tăng về phạm vi và mức độ đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế hộ của một số địa phương.
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh tìm hiểu tình hình dịch bệnh trên cây sầu riêng trên địa bàn huyện M'Đrắk |
Điển hình là bệnh hồ tiêu chết nhanh chết chậm xảy ra trên diện rộng tại các huyện Ea H’leo, M’Đrắk, thị xã Buôn Hồ hay sầu riêng tại huyện Krông Pắc... Qua kiểm tra, khảo sát của các ngành chức năng và nhà khoa học, nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng đó là do những năm gần đây giá sầu riêng và hồ tiêu tăng cao nên người dân đua nhau trồng trên đất không thích hợp, ngoài vùng quy hoạch, cường canh, sử dụng chất kích thích cho cây ra hoa, đậu quả nhiều và lạm dụng phân bón hóa học khiến cây trồng bị kiệt quệ, giảm sức đề kháng, đất bị chai sạn, các sinh vật có ích bị tiêu diệt. Khi mưa lớn kéo dài, độ ẩm đất tăng cao thì nấm bệnh bùng phát, gây hại vườn cây với mức độ ngày càng nguy hiểm. Người dân lại chưa nắm bắt kỹ thuật nên khi dịch bệnh bùng phát thì lúng túng trong cách xử lý khiến dịch bệnh càng lây lan nhanh.
Nấm gây bệnh xì mủ thân, thối rễ trên cây sầu riêng ở Krông Pắc |
Hiện nay, Đắk Lắk đang trong mùa khô, dịch bệnh đang có chiều hướng chững lại nhờ ánh nắng mặt trời khiến các loại nấm gây bệnh không có điều kiện phát sinh, gây hại thêm nhưng phần lớn diện tích đã bị bệnh đều giảm năng suất, không có thu hoạch thậm chí chết cả vườn. Trong khi đó, thời điểm này năm 2016, những vườn sầu riêng ở Krông Pắc rất xanh tốt, mùa thu hoạch (tháng 9, 10) nông dân chỉ việc ra vườn ghi sổ sách và đếm tiền. Ước tính, năm 2016 huyện Krông Pắc thu về khoảng 500 tỷ đồng từ sầu riêng. Còn năm nay, người dân đang chạy đôn chạy đáo để trị bệnh cho những vườn sầu riêng trơ trụi vì nấm bệnh! Chỉ vì nóng vội, phát triển thiếu bền vững mà nông dân đã tự mình hại mình, biến những vườn cây thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm thành vườn cây chứa đầy nấm bệnh khó trị.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc