Multimedia Đọc Báo in

Đầu tư vào Tây Nguyên: Để cam kết thành hiện thực

20:16, 08/04/2017

Được xem là 1 trong 6 vùng kinh tế lớn của cả nước, thời gian qua, đầu tư vào khu vực Tây Nguyên đã được Đảng và Nhà nước quan tâm khi tổ chức hàng loạt hội nghị xúc tiến đầu tư ở khu vực này. Trong xu hướng đó, hệ thống ngân hàng cũng đã vào cuộc quyết liệt thông qua các cam kết tín dụng.

Hàng loạt cam kết…  "khủng"

Mới đây nhất, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 4, có 36 dự án (DA) đã được các ngân hàng cam kết cho vay, với số tiền trên 29,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, một số DA có cam kết vốn lớn như của Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) ký kết 13 DA, với số tiền trên 2.331 tỷ đồng, gồm: 3 DA tại Kon Tum (cam kết cho vay 1.000 tỷ đồng thực hiện DA nhà máy chế biến sữa dê và sản phẩm từ sữa dê công nghệ cao tại huyện Kon Rẫy; 400 tỷ đồng DA nhà máy thủy điện Plêi Kần tại huyện Ngọc Hồi và huyện Đắk Tô; 400 tỷ đồng cho DA nhà máy chế biến mủ cao su tại huyện Ia H’Drai); 5 DA tại Đắk Lắk (45 tỷ đồng cho DA đầu tư xây dựng nhà máy gạch không nung tại Khu Công nghiệp Hòa Phú, 81,5 tỷ đồng tái canh cà phê tại các huyện Ea Kar và Cư M’gar)… Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) ký kết 7 DA, số tiền 2.230 tỷ đồng (30 tỷ đồng DA nhà máy xử lý nước Ngọc Hồi (Kon Tum) công suất 5.000 m3/ngày đêm; 150 tỷ đồng DA đầu tư sản xuất đường tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk), 500 tỷ đồng cam kết vốn lưu động cho vay thu mua nông sản chất lượng cao tại TP. Pleiku, 1.400 tỷ đồng DA khu phức hợp công nghiệp nhà máy sản xuất xiro cô đặc, nhà máy tinh bột sắn và nhà máy phân bón vi sinh tổng hợp tại huyện Chư Prông). Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ký kết 5 DA, số tiền 460 tỷ đồng gồm 2 DA tại Đắk Lắk (140 tỷ đồng DA nâng cấp nhà máy đường 333, 25 tỷ đồng DA Trung tâm phân phối, nhân giống cây trồng công nghệ cao); 3 DA tại Lâm Đồng (115 tỷ đồng DA đầu tư nhà máy thủy điện Đạ Dâng, 120 tỷ đồng DA đầu tư nhà máy thủy điện Đạ Tông – Đam Rông, 60 tỷ đồng DA xây dựng khách sạn Lê Thành Đà Lạt).

Cán bộ Agribank Chi nhánh Đắk Lắk kiểm tra một dự án tái canh cà phê trên địa bàn huyện Krông Pắc.
Cán bộ Agribank Chi nhánh Đắk Lắk kiểm tra một dự án tái canh cà phê trên địa bàn huyện Krông Pắc.

 

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ký kết 3 DA, số tiền 2.978 tỷ đồng gồm 1 DA tại Lâm Đồng (612 tỷ đồng DA thủy điện Tân Thượng); 2 DA tại Gia Lai (66 tỷ đồng tái canh cà phê tại huyện Chư Sê, 2.300 tỷ đồng DA thỏa thuận hợp tác, cấp tín dụng phục vụ trồng, chăm sóc, khai thác cây công nghiệp, chế biến cao su… của Công ty 15 và các thành viên)...

Đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư  khu vực Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017.
Đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017.

Khoảng cách từ cam kết đến hiện thực

Có thể thấy, tổng vốn cam kết cho vay đầu tư vào Tây Nguyên của các ngân hàng là không nhỏ, nếu những cam kết này thành hiện thực sẽ tạo động lực rất lớn cho sự phát triển của khu vực này. Tuy nhiên, trong số các cam kết trên, mới chỉ có 3 DA do BIDV ký kết đã và đang được triển khai (DA thủy điện Tân Thượng đang trong giai đoạn đầu tư, đã giải ngân từ tháng 1-2017; DA tái canh cà phê tại huyện Chư Sê chuẩn bị triển khai và đã được phê duyệt vốn; DA thỏa thuận hợp tác, cấp tín dụng phục vụ trồng, chăm sóc, khai thác cây công nghiệp, chế biến cao su… của Công ty 15 và các thành viên đã cấp tín dụng gần 2.300 tỷ đồng), còn lại các DA khác đều mới chỉ dừng lại ở mức… cam kết. Trong khi đó, theo đại diện một ngân hàng trên địa bàn tỉnh, cam kết vốn mang tính tương lai, việc có đi đến giải ngân hay không phụ thuộc rất nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là tính khả thi và tiến độ thực hiện của các DA. Điều này đã được thể hiện rất rõ ở các DA tái canh cà phê khi nhiều cam kết đã bước sang giai đoạn hợp đồng tín dụng (tức là tiền đã có sẵn), nhưng vẫn không giải ngân được do khách hàng không đáp ứng được những điều kiện liên quan. Hay như 4 dự án của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt ký kết, số tiền lên đến 19.000 tỷ đồng, toàn bộ đều liên quan đến việc phát triển cây mắc ca tại Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai sẽ ra sao khi lộ trình và quy mô phát triển loại cây trồng này đang có nhiều vấn đề. Do vậy, điều cốt yếu là doanh nghiệp, các địa phương phải sớm cụ thể hóa chủ trương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn cam kết, tạo nguồn lực để Tây Nguyên đẩy mạnh phát triển nhanh, bền vững. 

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.