Multimedia Đọc Báo in

Đường mới làm xong đã hư hỏng

15:43, 17/04/2017

Tháng 7-2015, công trình nâng cấp đường giao thông nội thôn 6, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) được khởi công xây dựng, có chiều dài gần 1,8 km, tổng mức đầu tư gần 5,8 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách huyện trên 4,9 tỷ đồng (85%) và vốn đối ứng của người dân 868 triệu đồng (15%), do Ban Quản lý các dự án huyện Cư Kuin làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Hùng Tiến thi công.

Trước khi triển khai dự án, Ban Quản lý các dự án huyện Cư Kuin đã có văn bản số 02/CV-DA, ngày 9-2-2015 đề nghị UBND xã Ea Tiêu tổ chức họp dân, cam kết nguồn vốn đối ứng để thực hiện công trình trên. Nếu không có biên bản cam kết, Ban sẽ tạm dừng triển khai thi công và xin ý kiến chỉ đạo của huyện. Kết quả sau 14 cuộc họp, Ban tự quản thôn 6, các đoàn thể và đa số người dân trong thôn thống nhất mức đóng góp: các hộ có đất, nhà ở mặt đường đóng 246.000 đồng/mét ngang, các hộ khác có nhà ở trong thôn đóng 1,5 triệu đồng/hộ và các hộ có đất rẫy đóng 1 triệu đồng/hộ.

Khi công trình hoàn thành khoảng 80% khối lượng (chỉ còn hạng mục lề đường dọc tuyến), Ban tự quản thôn 6 đã tiến hành phát giấy đề nghị các hộ dân trong thôn đóng tiền đối ứng. Tuy nhiên, trong thời gian này, ở đoạn đầu của công trình xuất hiện một số vết nứt trên mặt đường, nhà thầu phải đào lên xới lại khiến người dân nghi vấn về chất lượng công trình nên chưa ai chịu đóng tiền đối ứng. Đến nay, mặc dù đơn vị thi công đã sửa chữa vị trí hư hỏng trên đường, nhưng theo người dân thôn 6 thì vẫn chưa bảo đảm chất lượng. Quan sát thực tế cho thấy, tại vị trí đường hư đã được khắc phục nhưng mặt đường nổi nhiều đá dăm không láng nhựa; thi công xong khối lượng vật liệu thừa tràn hết xuống mương thoát nước cũng không được nhà thầu dọn dẹp.

Vị trí hư hỏng ở trục 1  của công trình sau sửa chữa vết nứt  vẫn lồi lõm,  nổi đá dăm.
Vị trí hư hỏng ở trục 1 của công trình sau sửa chữa vết nứt vẫn lồi lõm, nổi đá dăm.

Ông L.V.C (một người dân trong thôn) cho biết, khi có chủ trương làm đường giao thông nội thôn 6, mọi người đều phấn khởi và ông cũng đồng tình với mức đóng góp như cam kết nói trên. Theo đó, với 47 mét đất mặt đường, số tiền mà gia đình ông phải đóng hơn 11 triệu đồng. Cuối tháng 2-2017, Ban tự quản thôn đã yêu cầu ông đóng tiền, nhưng ông  vẫn chần chừ chưa đóng, bởi đường mới làm xong đã xuất hiện hư hỏng… Tương tự, hộ anh N.H.H cũng cho hay, hy vọng đường làm xong, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn, ai ngờ, khi công trình hoàn thành, đất đá 2 bên đường vẫn lởm chởm, các rãnh thoát nước bị bịt hết mà không được đơn vị thi công khơi thông. Chị P.T.M có mức đóng 1,5 triệu đồng, đối với gia đình chị là phù hợp, chị không muốn gây khó cho ban tự quản thôn khi đi thu tiền, nhưng nhìn đường mới làm xong mà còn tệ hơn trước nên chị chưa đóng.

Trao đổi về chất lượng công trình, ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Ban Quản lý các dự án huyện Cư Kuin lý giải, nguyên nhân dẫn đến xuất hiện một số vị trí hư hỏng là do chất lượng đất đắp nền đường và thi công trong điều kiện thời tiết mưa nhiều nên kết cấu nền đường không bảo đảm. Thêm nữa, đây là công trình vừa thi công vừa khai thác nên xe hạng nặng thường xuyên ra vào cũng góp phần làm hư đoạn đường (!)

Công trình này có bảo đảm chất lượng hay không chỉ có cơ quan chức năng mới có thẩm quyền kiểm tra, kết luận. Song những tồn tại, bất cập thấy được bằng mắt thường ở tuyến đường là cơ sở để người dân chưa đóng tiền đối ứng. Nên chăng, cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát, kết luận về chất lượng công trình để chủ đầu tư sớm khắc phục các tồn tại, người dân sớm đóng tiền đối ứng của dự án này.     

Theo Quyết định 1810/QĐ-UBND ngày 25-5-2016 (điều chỉnh) của UBND huyện Cư Kuin, Công trình đường giao thông thôn 6 gồm các hạng mục: mặt đường đá dăm láng nhựa; lề đường cấp phối 2 bên, mỗi bên rộng 0,75 m; cống thoát nước vĩnh cửu bằng bê tông xi măng, tải trọng thiết kế 0.65HL93; được xây dựng theo quy mô mặt đường đá dăm láng nhựa 3 lớp, lề đường đắp cấp phối đồi, dày 28 cm, rãnh thoát nước hình thang rộng 0,4 m, sâu 0,5 m.

 

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.