Hướng đến khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Bên cạnh những mô hình thí điểm về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) thì việc tiếp nhận, nhân giống cây trồng, vật nuôi và mở rộng ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp đại trà trong dân là khâu quan trọng, mấu chốt để đưa nền nông nghiệp tỉnh nhà lên tầm mới.
Từ nền móng ban đầu...
Nông nghiệp ƯDCNC là đưa công nghệ mới vào trong sản xuất bao gồm: tự động hóa, cơ giới hóa, công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu mới, các giống vật nuôi cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao, phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ, thân thiện với môi trường.
Là đơn vị có nhiệm vụ sản xuất, phát triển, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về giống cây trồng, vật nuôi… những năm qua, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh đã chú trọng tiếp nhận, tổ chức thực hiện các dự án (DA), đề án, chương trình khoa học về giống cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi; tổ chức thực hiện công tác khảo nghiệm, khu vực hóa và sản xuất thử các loại giống mới trước khi đưa vào sản xuất đại trà; lưu giữ, bảo tồn các giống quý hiếm, giống cây đầu dòng... Riêng năm 2016, trại lúa Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) thuộc Trung tâm đã sản xuất thành công 48 ha lúa khảo nghiệm thử nghiệm, giống nguyên chủng, lúa xác nhận như Jacmine 85, DDV108, V13/2, VT-NA2, với năng suất trung bình đạt 7,76 tấn/ha. Trại cũng phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng mô hình trình diễn, khảo nghiệm chọn ra các giống có triển vọng như INH 12023, INH 9001, H64PLUS, BTE1, siêu lúa lai HYT131, HYT127, HYT34, HYT126... Liên kết với Trạm nghiên cứu ngô phía Nam thực hiện nghiên cứu các tổ hợp ngô lai mới, khảo sát 280 giống, so sánh 36 giống, nghiên cứu ảnh hưởng của 3 mật độ trồng ngô trên 4 mức phân bón khác nhau. Từ những nguồn giống đã sản xuất được, năm 2016 Trung tâm đã cung cấp hơn 540.499 kg lúa giống các loại, 46 con bê giống, 653 heo giống có chất lượng ra thị trường… Hiện tại, đơn vị đang từng bước hoàn thành DA xây dựng vườn ươm giống cây nông nghiệp và vườn nhân chồi ghép cây ăn quả, cây nông nghiệp (triển khai từ năm 2011) và đã hoàn thành việc xây dựng tường rào trại tổng hợp, hệ thống đường nội bộ, đường dẫn nước, vườn ươm diện tích 2.000 m2, tiến tới công nhận vườn nhân chồi mít, sầu riêng, bơ...
Người dân tìm mua giống tại vườn ươm của Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi Đắk Lắk. |
... đến những kỳ vọng cho tương lai
Nhằm tạo đà thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, giai đoạn 2016-2020, Đắk Lắk có 4 DA nông nghiệp CNC trọng điểm đang được mời gọi đầu tư: Khu nông nghiệp ƯDCNC xã Ea Tu, xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột), xã Ea Kpam, thị trấn Ea Pốk (Cư M’gar). Riêng Trung tâm giống có 2 DA liên quan bao gồm khu nông nghiệp ƯDCNC xã Ea Tu (25 ha, vốn đầu tư 150 tỷ đồng) và xã Hòa Xuân (27 ha, vốn đầu tư 270 tỷ đồng). Hai DA này hướng đến mục tiêu xây dựng Khu nông nghiệp ƯDCNC, góp phần đẩy mạnh nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và bền vững; xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất và trang thiết bị cho sản xuất các sản phẩm ƯDCNC; tổ chức trồng trọt, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ƯDCNC trong các lĩnh vực trồng hoa, nấm, dược liệu, trồng rau các loại, bảo quản cà phê, hồ tiêu; thu hút nguồn nhân lực CNC trong và ngoài nước vào hoạt động ƯDCNC... Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh cho biết, ứng dụng nông nghiệp CNC là mục tiêu của ngành nông nghiệp nói chung, Trung tâm nói riêng đang hướng đến. Để thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đơn vị đang xây dựng kế hoạch, xin kinh phí để cắt cử cán bộ đi học nhằm nâng cao năng lực chuyên môn trên từng lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu hiện nay.
Khi các DA được triển khai, các khu nông nghiệp ƯDCNC sẽ phát huy vai trò đầu tàu mở đường cho việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, tạo cơ sở phát triển nông nghiệp, nông thôn hướng nhanh tới công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc