Khi doanh nghiệp tìm đến với nông dân
Trong thời buổi cạnh tranh kinh tế thị trường, nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải tự tìm tới người nông dân để quảng bá sản phẩm của mình, hoặc liên kết sản xuất. Đây cũng là xu thế thiết yếu để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Toàn tỉnh hiện có 6.251 DN, trong đó có đến 60% hoạt động liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp (chưa kể các DN ngoài tỉnh có sản phẩm bán tại thị trường Đắk Lắk) như sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi, máy móc phục vụ nông nghiệp… Bình quân mỗi năm, Đắk Lắk tăng thêm từ 300 - 400 DN. Sự gia tăng này cũng đồng nghĩa với sức cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt, đòi hỏi các DN phải chú trọng hơn đZến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và tăng cường khâu quảng cáo nhằm tiêu thụ được sản phẩm.
Nông dân có quyền lựa chọn
Theo ông Trương Hậu ở thôn Tân Nam, xã Ea Toh (huyện Krông Năng), làm nông thời nay thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây, bởi DN đã không còn giữ thế “độc quyền” nữa mà ngược lại, họ đã chủ động tìm đến nông dân, đưa về nhiều loại hàng hóa khác nhau, chất lượng tốt, giá thành rẻ phục vụ tận nơi. Không chỉ thông qua các đại lý, người dân còn được chính các DN sản xuất, kinh doanh mặt hàng vật tư nông nghiệp đưa sản phẩm mới về địa phương giới thiệu, quảng bá. Anh Y Phốt Bđáp ở buôn Ea M’tar, xã Ea B’hốk (huyện Cư Kuin) cho biết, mỗi năm trong xã thường có khoảng trên dưới 100 DN tìm về, mời gọi người dân tham gia hội nghị, hội thảo giới thiệu sản phẩm, nhất là mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, người nông dân không còn ở thế bị động khi mua sản phẩm phục vụ sản xuất như trước nữa mà có quyền lựa chọn loại phù hợp với mình.
Ông Đậu Chí Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Minh Phát Group (đứng giữa) hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc tiêu với phân bón NPK GAP của công ty. |
Còn đối với DN, môi trường kinh doanh cạnh tranh cũng tạo cơ hội cho những sản phẩm chất lượng cao lên ngôi. Ông Đậu Chí Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Minh Phát Group (TP. Buôn Ma Thuột) nhớ lại, trước đây, mặc dù sản phẩm phân vi sinh, máy móc nông nghiệp của công ty ông chiếm thế độc quyền tại nhiều địa bàn trong tỉnh nhưng sức mua vẫn chậm, người dân khá dè chừng. Để tồn tại và phát triển trong thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, DN đã nỗ lực không ngừng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm đủ mọi cách để quảng bá đến người tiêu dùng. Nhờ đó, thị trường kinh doanh của Minh Phát đã không còn bó hẹp trong tỉnh mà phát triển khắp cả nước.
Đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp
Mặc dù đã chiếm vị thế chủ động trong việc lựa chọn sản phẩm hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, song nhìn chung, từ trước tới nay nông dân thường vẫn là người chịu thiệt trong chuỗi sản xuất nông sản. Do đó, nông dân rất mong muốn được hợp tác với các DN nhằm sản xuất được những sản phẩm đạt chất lượng, tìm đầu ra nông sản với giá cao, ổn định.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT
|
Từ năm 2014 đến nay, gia đình ông Lưu Hồng Sơn ở thôn 3, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) đều ký hợp đồng liên kết trồng (Xem 5 sào hồng hoa với Công ty TNHH Hồng Hoa Đắk Lắk. Hằng năm, Công ty đều hỗ trợ bán giống trả sau, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và thu mua sản phẩm với giá cao. Theo ông Sơn, việc liên kết sản xuất giúp người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, giải quyết được đầu ra của nông sản giá cao, ổn định... Vụ hồng hoa vừa qua gia đình ông thu hoạch khoảng 6 tấn đài hoa tươi. Với giá mà Công ty TNHH Hồng Hoa Đắk Lắk đến tận nơi mua là 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Sơn có lãi trên 25 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với việc trồng ngô, đậu trước đây.
Theo Sở NN-PTNT, thời gian qua, việc liên kết sản xuất giữa DN và nông dân diễn ra khá sôi nổi với nhiều hình thức như: Hỗ trợ nông dân mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng trả chậm với lãi suất thấp; đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật trong sản xuất ở các mô hình công nghệ cao; liên kết sản xuất cà phê bền vững… Đối với việc cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng trả chậm, DN thường thông qua các hội, đoàn thể địa phương để tập hợp, kêu gọi nông dân đăng ký mua. Hình thức liên kết này giúp DN bán được sản phẩm mà người dân cũng yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm đã được ngành chức năng kiểm tra, giá cả lại rẻ hơn thị trường vì không phải qua khâu trung gian...
Nông dân thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) tham gia hội thảo đầu bờ giống lúa Đài Thơm 8 của Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam. |
Đối với liên kết sản xuất cà phê bền vững, theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 20 DN liên kết với trên 44.000 nông hộ sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận, diện tích 64.107 ha, sản lượng đạt 226.100 tấn cà phê nhân, chiếm trên 50% sản lượng cà phê nhân của tỉnh. Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, phần lớn việc liên kết này là DN hỗ trợ về giống có năng suất cao, kỹ thuật canh tác, thu hoạch cà phê bảo đảm chất lượng tốt, nên sau khi thu hoạch, các DN liên kết sẽ thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 200 - 300 đồng/kg nhân. Khi có sự hỗ trợ của DN sẽ giúp người dân sản xuất ra nông sản chất lượng tốt và có đầu ra ổn định. Do vậy cần khuyến khích nông dân tham gia các mô hình hợp tác để nhận được hỗ trợ của DN.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc