Multimedia Đọc Báo in

Khởi sắc Ea Pil

08:53, 28/04/2017

Xã Ea Pil (huyện M’Đrắk) có diện tích tự nhiên khoảng 8.240 ha, người dân sinh sống tại 14 thôn với 1.727 hộ, 6.904 nhân khẩu.

Mặc dù là xã đặc biệt khó khăn nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, Ea Pil đã có những khởi sắc trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thay đổi diện mạo của một vùng đất còn nhiều khó khăn.

Đến thôn 11, xã Ea Pil vào những ngày này, đi trên con đường đất cấp phối, hai bên là nhiều ngôi nhà được xây kiên cố, thấp thoáng phía xa xa là những quả đồi phủ màu xanh bạt ngàn của mía, sắn, ngô,… chúng tôi mới thấy bức tranh về nông thôn mới đang ngày càng hiện hữu rõ rệt nơi đây. Bà Vi Thị Mến, bí thư chi bộ thôn 11 cho biết, thôn có 164 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người dân từ Thanh Hóa và Nghệ An vào xây dựng kinh tế mới từ những năm 1990. Khi vào định cư nơi quê hương mới, cuộc sống người dân thiếu thốn trăm bề do giao thông trắc trở, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt…

Sau hơn 20 năm, vùng đất thôn 11 hoang sơ ngày nào đã dần thay đổi. Ông Ngô Minh Tiến, trưởng thôn 11 nhớ lại những ngày đầu đến vùng đất mới: Năm 1995, vợ chồng ông từ huyện Diễn Châu (Nghệ An) vào xây dựng kinh tế mới với vỏn vẹn chỉ 60.000 đồng trong tay. Với bản chất cần cù, chịu khó, ban đầu gia đình ông tập trung khai hoang đất đai, trồng các loại cây lương thực như lúa, ngô, khoai, sắn và các cây họ đậu... để giải quyết nhu cầu trước mắt. Nhận thấy nếu chỉ sản xuất độc canh cây lương thực thì hiệu quả không cao, lại dễ gặp rủi ro nên ông quyết định áp dụng mô hình đa cây, đa con. Từ nguồn vốn tích lũy và vốn vay từ ngân hàng, gia đình ông đầu tư chuồng trại nuôi bò, heo, trồng mía, hồ tiêu, cà phê… Đến nay, gia đình ông Tiến đã có 6 ha đất trồng mía, 1 ha tiêu và cà phê, cộng với 6 con bò sinh sản và hơn 100 con heo các loại mỗi năm mang lại cho gia đình ông khoảng 300 triệu đồng.

Người dân xã Ea Pil thu hoạch mía.
Người dân xã Ea Pil thu hoạch mía.

Gia đình chị Phạm Thị Mười (thôn 10) cũng là một điển hình trong việc phát triển kinh tế gia đình từ mô hình VAC. Từ tỉnh Hải Dương vào lập nghiệp tại mảnh đất khô cằn Ea Pil từ năm 1993 chỉ với hai bàn tay trắng, vợ chồng chị chăm chỉ làm lụng cật lực song cuộc sống vẫn rất khó khăn. Năm 2003, khi biết cây vải thiều và cây nhãn Hương Chi ở Hải Dương cho hiệu quả kinh tế cao, chị Mười về quê mang giống vào trồng thử nghiệm. Nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu tại Ea Pil thích hợp với cây nhãn nên chị tiếp tục đầu tư trồng trên diện tích khoảng 3 ha. Đến năm 2012, chị mạnh dạn trồng thêm vải thiều trên diện tích đất còn lại của gia đình. Nhờ siêng năng chăm chỉ và thường xuyên cập nhật kỹ thuật, nắm vững đặc tính của cây trồng nên vườn nhãn cho năng suất cao, vườn vải thiều cũng phát triển rất tốt. Hiện nay, với hơn 3 ha nhãn Hương Chi, 5 ha vải thiều, 1 ha ao cá và đàn heo, gà ... mỗi năm gia đình chị thu nhập trên dưới 500 triệu đồng.

Ông Lê Bá An, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Pil chia sẻ, cũng như các xã khó khăn khác trong huyện, ngay từ đầu địa phương đã xác định không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để đưa Ea Pil đi lên bằng chính nội lực. Với quyết tâm vượt qua đói nghèo, hằng năm xã đã vận dụng nghị quyết của đảng bộ cấp trên vào tình hình thực tiễn của địa phương; chỉ đạo sản xuất, bố trí các loại cây trồng phù hợp với từng thôn; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên đã đem lại những hiệu quả rõ rệt. Từ đó, trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như gia đình ông Nhữ Duy Chiến, Nông Văn Dũng (thôn 11), Lê Ngọc Hứa (thôn 1), Nguyễn Thị Minh Hiền (thôn 2)…

Ông An phấn khởi cho biết thêm, sau gần 25 năm thành lập xã (năm 1993), nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự cần mẫn, vượt khó vươn lên của 10 dân tộc anh em trên địa bàn, Ea Pil đã “chuyển mình” từng bước trở thành một vùng đất trù phú, là vựa mía, ngô, sắn của huyện. Nếu như trước đây, hộ nghèo trong xã chiếm đến hơn 70% thì đến nay tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm còn 53,2%; thu nhập bình quân đầu người tăng lên 21,5 triệu đồng/người/năm; 12/14 thôn đạt tiêu chuẩn văn hóa; 3/4 trường học đạt chuẩn quốc gia; dịch vụ, thương mại cũng đang trên đà phát triển. Ea Pil cũng đã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (chỉ sau xã điểm Ea Riêng)… 

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.