Người đưa công nghệ cơ khí châu Âu vào Đắk Lắk
Trong ngành cơ khí Đắk Lắk, kỹ sư Lê Viết Vinh được dân trong nghề đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu.
Từ nông dân thành chuyên gia cơ khí
Ông sinh năm 1963 ở Huế và cùng gia đình chuyển lên Tây Nguyên định cư khi chưa đầy 10 tuổi. Gia đình ông có truyền thống làm cà phê từ 50 năm nay, từ việc trồng đến sơ chế, kinh doanh cà phê. Lớn lên trong gia đình như vậy, nghề cà phê trở thành niềm đam mê của ông Vinh. Điều may mắn là ông được làm việc cho một doanh nghiệp chuyên chế tạo máy chế biến cà phê của Brazil. Tiếp xúc với kỹ thuật của cường quốc hàng đầu thế giới về cơ khí cà phê, ông học được nhiều điều quý báu, đặc biệt là công nghệ, kỹ thuật chế tạo, lắp ráp các máy móc, thiết bị chế biến cà phê. Ông cùng với em trai Lê Viết Hiền bắt tay vào vẽ thiết kế, đo cắt vật liệu rồi lắp ráp máy xay, sấy cà phê. Cái máy đầu tiên hoàn thành nhưng không chạy được, ông lại tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, điều chỉnh, có những chi tiết phải mất mấy năm trời mới ưng ý. Chiếc máy xay cà phê đầu tiên hoàn thành trong niềm vui tột độ của người kỹ sư chân đất. Từ việc phục vụ sản xuất trong gia đình, các loại máy do ông Vinh chế tạo, lắp ráp cho thấy công năng lớn, nên được nhiều người tìm đến đặt hàng. Từ đó, nghề cơ khí ngày càng phát triển, ông có thể sản xuất được nhiều loại máy chế biến ướt, khô công suất từ nhỏ đến lớn. Đặc biệt, ông luôn chú trọng vào việc sử dụng vật liệu, cải tiến kỹ thuật để nâng công suất, giảm giá thành sản phẩm. Năm 2005, Công ty TNHH cơ khí Viết Hiền của gia đình ông được thành lập, hiện là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về cơ khí phục vụ cà phê có thể chế tạo, lắp ráp các loại thiết bị, máy móc phục vụ nông dân cho đến nhà máy chế biến cà phê quy mô với công nghệ hiện đại.
Lò sấy công nghệ FLOX của Công ty TNHH cơ khí Viết Hiền chế tạo đang chuẩn bị hoàn thiện. |
Tiếp cận công nghệ châu Âu
Năm 2015, ông Vinh được chuyên gia của Ủy ban Khoa học kỹ thuật của Liên hiệp quốc (UNIDO) và Đại học Bách khoa Hà Nội chọn thực hiện dự án chuyển giao khoa học công nghệ bằng kinh phí do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ. Ông được tham gia khóa học tại Trung tâm nghiên cứu Sinh thái - Thụy Sĩ (Oko Zentrum) do các chuyên gia năng lượng cơ khí hàng đầu thế giới đứng lớp. Trung tâm này chuyên nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm có lợi cho môi trường, rồi chuyển giao cho những nhà sản xuất có khả năng chế tạo với giá rẻ. Tại đây, ông được tiếp cận với công nghệ đốt FLOX phối hợp nhiệt phân. Công nghệ này không phát sinh khí CO2 và cho sản phẩm cuối cùng than sinh học có giá trị rất lớn về kinh tế.
Sau gần một tháng tu nghiệp ở Châu Âu, ông đã nắm được nguyên lý hoạt động của công nghệ này, nhưng ứng dụng vào thực tế là điều không hề dễ dàng, trong đó, khó nhất là phải tìm được vật liệu có độ bền, chịu nhiệt tốt và giá thành rẻ. Sau một năm chế tạo, lắp ráp, thử nghiệm, ông đã hoàn thành hệ thống máy sấy nhiệt phân. Sản phẩm này sử dụng phế phẩm nông nghiệp đốt nóng 1.2000C không thải CO2, khói bụi gây ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm là than sinh học. Công nghệ này được ứng dụng trong các loại máy sấy nông sản, công suất 4 tấn quả tươi/mẻ. Ông Vinh cho biết, lò đốt theo công nghệ này với công suất tương đương, chế tạo tại Thụy Sĩ có giá 340.000 Euro, trong khi ở xưởng của ông chỉ khoảng 25.000 USD. Sản phẩm này đã được áp dụng trong vụ cà phê 2016 - 2017 tại HTX Bình Minh (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) và cho hiệu quả tốt. Hiện, một chiếc máy sấy nhiệt phân chuẩn bị xuất sang cho một doanh nghiệp tại Brazil. Bên cạnh đó, một doanh nghiệp Châu Âu cũng đặt hàng một chiếc khác để đưa về sản xuất ở Srilanca…
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc