Những người đưa "chợ" về buôn xa
“Chợ” di động
Nhiều năm nay, người dân ở thôn Ea Rớt, Ea Bar (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) đã quá quen thuộc với hình ảnh tư thương trên những chiếc xe chở đầy hàng hóa, nào thịt, cá, rau, quả, nước mắm, dầu ăn… len lỏi khắp đường làng ngõ xóm rao bán. Người dân nơi đây thường gọi đó là “chợ di động”.
Chị Nguyễn Thị Hương (tổ dân phố 6, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) tâm sự: “Tôi làm nghề bán thực phẩm rong bằng xe máy ở khu vực xã Cư Pui đã gần 10 năm rồi nên khá thân thuộc với người dân nơi đây. Bất kể trời nắng hay mưa, mỗi ngày tôi đều đến các thôn, xóm đúng giờ để bà con tiện đến mua. Bữa nào đông khách mà mình chưa đến kịp còn phải gọi điện thoại để bà con biết mà không phải chờ đợi”.
Vừa bán hàng cho khách tại khu vực trung tâm xã Ea Sin (huyện Krông Búk), chị Trần Ngọc Kiều Vy vừa kể: Nắm bắt nhu cầu của người dân trong vùng là thường bận rộn công việc nương rẫy, ít ra chợ, vợ chồng chị đã đầu tư mua xe ôtô tải để đưa hàng hóa từ thị xã Buôn Hồ về đây bán. Ngoài việc bán hàng thực phẩm, anh chị còn bán thêm các mặt hàng khác như nước ngọt, xà phòng, kem đánh răng, dầu gội, nồi xoong, bát đĩa… Do đa phần người dân nơi đây đều là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nghèo khó nên vợ chồng chị thường xuyên bán nợ cho bà con rồi chờ đến mua thu hoạch nông sản trả sau.
Vợ chồng chị Kiều Vy và anh Hùng đang bên gian hàng lưu động tại trung tâm xã Ea Sin (huyện Krông Búk). |
Không riêng gì chị Hương, chị Vy, những năm gần đây, ở hầu hết các buôn xa làng gần đều có các tiểu thương mang “chợ di động” đến với người dân. Họ thường buôn bán theo tuyến, vùng cố định với đa dạng các mặt hàng nhu yếu phẩm khác nhau. Dẫu gặp không ít khó khăn, vất vả nhưng đây là một nghề giúp họ có thu nhập khá.
Theo chị Vy, những năm trước, đường sá đi lại khó khăn, nhu cầu ăn uống, sắm sửa của người dân còn thấp nên việc buôn bán cũng bấp bênh. Nay cuộc sống của bà con ở các thôn, buôn đã khấm khá hơn trước nên nhu mua sắm của họ cũng tăng cao, việc mua bán cũng xôm tụ hơn.
“Chở” niềm vui về với buôn xa
Chị Nông Thị Mượt ở buôn Ea Kring, xã Ea Sin cho biết, trước đây, người dân trong buôn muốn mua bán thứ gì cũng phải ra tận chợ trung tâm xã Cư Pơng cách xa khoảng 12 km, hoặc đến chợ xã Pơng Đrang cách buôn gần 40 km rất vất vả. Từ khi có “chợ di động”, cuộc sống của người dân trong vùng thuận tiện hơn rất nhiều, bởi hàng hóa được đưa đến tận nơi, đầy đủ. Đã vậy, người bán hàng di động còn cho bà con mua nợ, khi nào có tiền thì trả, không tính lãi…
Chẳng riêng gì người dân, ngay cả những giáo viên, cán bộ công tác ở những vùng khó khăn, cách xa trung tâm xã cũng ngóng chờ những chuyến hàng lưu động mỗi ngày. Cô Trần Thị Duyên, giáo viên điểm trường Ea Lang, phân hiệu Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) tâm sự: “Đối với bà con nông dân thì còn có thể tự sản xuất lương thực, thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày, chứ những giáo viên, cán bộ công chức xa nhà như chúng tôi nếu không có thực phẩm tươi, hàng hóa mà những người bán hàng lưu động mang đến thì có lẽ suốt ngày chỉ biết ăn trứng với cá khô đưa ở nhà đi từ đầu tuần”.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, lâu nay, người dân trên địa bàn xã thường muốn mua sắm tại chợ tạm ở ngay trung tâm xã, hoặc sang chợ của xã Cư Đrăm. Với người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa như các thôn: Ea Lang, Cư Tê, Cư Rang, Ea Rớt, Ea Bar, Ea Uôl (có khoảng 1.220 hộ dân với khoảng 7.900 nhân khẩu), đường sá đi lại khó khăn, phương tiện giao thông hạn chế nên việc trao đổi hàng hóa, nhất là những mặt hàng thực phẩm tươi sống còn gặp nhiều khó khăn. Từ khi có “chợ di động”, người dân ở khu vực này không còn lo chuyện đi lại, việc trao đổi, giao lưu hàng hóa trở nên sôi nổi, thuận lợi hơn.
Có thể thấy, với những người buôn bán lưu động, nghề của họ còn có thêm ý nghĩa khác là tạo ra nhịp cầu trong lưu thông hàng hóa, góp phần từng bước rút ngắn khoảng cách đời sống kinh tế - xã hội giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc