Sản xuất nông nghiệp trong biến đổi khí hậu: Hướng đến công nghệ cao
Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Do vậy, ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất.
Sản xuất bị xáo trộn
Nông nghiệp là ngành nghề nhiều rủi ro nhất, bởi nó chịu tác động rất lớn của yếu tố tự nhiên, mùa vụ; năm nào mưa thuận gió hòa thì nông sản bội thu và ngược lại. Bản thân các loại cây trồng, vật nuôi phát triển theo quy luật sinh học nhất định (sinh trưởng, phát triển và diệt vong), rất nhạy cảm với các tác động ngoại cảnh, mọi sự thay đổi về điều kiện thời tiết, khí hậu đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và diệt vong. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của BĐKH, thời tiết luôn diễn biến bất thường, trái quy luật như mùa mưa, mùa khô đến sớm hoặc muộn hằng tháng trời, biên độ nhiệt trong năm dao động mạnh, xuất hiện những thời kỳ quá nóng, lạnh; độ ẩm thay đổi dẫn tới các loại sâu bệnh ngày càng tăng về cường độ và tần suất, ảnh hưởng tới sự phát triển, năng suất của cây trồng. Điển hình như vụ đông xuân 2016-2017, mưa trái mùa kéo dài vào cuối năm 2016 khiến nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại các vùng trũng, vùng ven các con sông Krông Ana, Krông Bông, Krông Năng… bị ngập lụt, nên kế hoạch gieo sạ chậm trễ so với niên vụ trước gần 1 tháng; diện tích ngô không đạt kế hoạch đề ra; diện tích khoai lang tăng mạnh gây sức ép đối với việc tiêu thụ vào cuối vụ. Đặc biệt, dịch bệnh trên các loại cây công nghiệp dài ngày vốn ít bệnh nay lại bùng phát và gây thiệt hại lớn cho người dân như gần 500 ha sầu riêng bị nấm bệnh, 2.275 ha hồ tiêu bị bệnh… khiến nông dân phải dồn lực chữa bệnh cho cây trồng với hy vọng “còn nước còn tát”.
Mô hình tưới tiết kiệm nước tại xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar. |
Hay đợt hạn năm 2016, người dân Đắk Lắk phải gồng mình chống hạn dai dẳng kéo dài từ cuối năm 2015 đến giữa năm 2016. Năm nay, đến thời điểm này vẫn chưa ghi nhận địa phương nào xảy ra hạn hán trên các loại cây trồng. Cây không bị hạn, nông dân không phải chống hạn nhưng trong lòng lại đầy băn khoăn, lo lắng khi lượng hoa cà phê nở và đậu quả rất ít là hậu quả của những cơn mưa bất thường trong mùa tưới.
Ứng dụng công nghệ cao
Thời vụ là thời gian làm đất, xuống giống, thu hoạch, và lịch thời vụ được xây dựng dựa trên tình hình thời tiết mỗi năm. Trong điều kiện thời tiết biến động khó đoán như hiện nay, ngoài chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý thì việc ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất không những tạo môi trường tốt cho cây trồng phát triển mà còn gia tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Ông Nguyễn Bá Hân, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước công nghệ Israel cho 1 ha cà phê (năm 2013) cho biết, nhờ có hệ thống tưới tiết kiệm mà đợt hạn năm 2016, nhiều vườn cà phê trong vùng bị thiếu nước, khô héo, nhưng gia đình vẫn căn chia đủ lượng nước tưới đều cho vườn cây. Cách làm của ông dựa vào cơ chế tự động hóa của hệ thống tưới, theo đó, vườn cây được chia thành từng vùng nhỏ, khi tưới thì bấm đồng hồ chia theo từng phút và chủ yếu tưới vào sáng sớm, chiều tối giúp cây hấp thụ nước tốt. Kết quả, vườn cà phê gia đình ông phát triển ổn định, năng suất cuối vụ đạt hơn 3,8 tấn/ha, cao gần gấp đôi so với các hộ trong vùng.
Vườn rau lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa tại HTX nông nghiệp và dịch vụ Toàn Thịnh (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar). |
Chưa hết, việc tưới tiết kiệm nước theo hệ thống nhỏ giọt Israel còn có thể kết hợp với bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật giúp gia đình giảm chi phí nhân công khoảng 15 triệu đồng/năm. Còn với sản xuất rau, việc ƯDCNC cũng mang lại hiệu quả rõ rệt trên từng lứa rau trong khoảng thời gian tính bằng ngày. Ông Trần Đình Trọng, Tổ trưởng tổ sản xuất rau an toàn phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột cho hay, đa phần rau có bộ rễ ngắn nên cần lượng nước lớn và rất nhạy cảm với sâu bệnh, thời tiết. Việc trồng rau trong nhà lưới giúp nông dân hạn chế côn trùng bên ngoài xâm nhập vào vườn, giảm sâu bệnh hại, đặc biệt mùa mưa rau không bị dập nát, còn mùa nắng thì nhiệt độ trong nhà lưới giảm 1-30C so với bên ngoài nên hạn chế được sự thất thoát hơi nước cũng như sự đốt cháy của mặt trời. Nhà lưới còn có thể trồng nhiều loại rau khác nhau theo nhu cầu thị trường và cho năng suất cao hơn từ 20-30% so với vườn rau bình thường.
Thời tiết biến đổi bất thường, lượng nước ngầm sụt giảm, hạn hán kéo dài tuy gây thiệt hại lớn nhưng phần nào đã thức tỉnh người nông dân và ngành Nông nghiệp nhìn nhận lại cách thức tổ chức sản xuất, nhất là ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp đã trở nên bức thiết.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc