Tỉ mẩn nghề quay mật ong
Nghề của sự tỉ mẩn
Để bắt đầu một ngày quay mật, từ sáng sớm chủ trại ong đã cẩn thận chuẩn bị mọi đồ dùng để quay. Khi đông đủ, mọi người chia nhóm đến từng thùng ong; người thì hun khói, người phủi ong, người lấy cầu…
Mỗi thùng ong là một đàn, có từ 7 đến 10 cầu ong, được đặt ở chỗ có bóng mát. Cầu là bộ phận để cho ong làm tổ, xây tầng. Phía trên cầu ong dùng để trữ mật, còn phía dưới chúng xây các lỗ hình ô lăng để ong chúa vào đẻ trứng. Do đó, trước khi cho cầu ong vào thùng quay ly tâm để lấy mật, người quay ong lấy con dao lưỡi mỏng, cắt các sáp ong đã đậy nắp kín để mật ứa ra và đưa vào thùng quay.
Thùng ong thường được đặt cách mặt đất khoảng 30 cm. Vào những ngày nắng ráo, chỉ cần từ 3 đến 4 ngày có thể quay được mật. Mỗi thùng ong thông thường quay được từ 7 đến 10 kg mật. Đến mùa vụ, muốn ong cho nhiều mật người nuôi ong phải chịu khó di chuyển đàn ong tới các vùng trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su; hoa rừng... Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ trại ong ở thôn 3, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar), người có kinh nghiệm nuôi ong chia sẻ, nghề nuôi ong dễ mà khó, phải nắm rõ tập tính của loài ong, phải nắm chắc quy trình kỹ thuật xử lý từng tình huống cụ thể, phải thường xuyên theo dõi, quan sát kỹ lưỡng hoạt động của từng đàn ong…
Mỗi khi quay mật, rất cần nhiều người phụ giúp để việc quay mật được thực hiện nhanh chóng. Trong ảnh: Một buổi quay mật tại thôn 3, xã Ea Kpam, huyện Cư M'gar. |
Người theo ong
Gần 20 năm đưa ong đi đánh mật, anh Phạm Văn Chuyền, buôn Tơng Jú, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đã trải lòng về nghiệp của người “bay theo những mùa hoa”. Với người nuôi ong phải xác định để có mật thì mùa nào, hoa đó. Ong sống không thể thiếu hoa, do đó, vào mỗi mùa hoa ở từng vùng, miền trên khắp đất nước dẫu xa xôi người nuôi cũng đưa ong đến những vùng có hoa. Anh Chuyền vừa kể, vừa hướng dẫn như một chuyên gia về hoa và địa lý từng vùng đất mà mình đã đi qua. “Bây giờ đang mùa hoa cà phê nên người nuôi dẫn đàn ong về những rẫy cà phê để đánh mật. Tháng tới, sẽ xuống vùng Đông Nam Bộ tìm những rừng cao su, rồi lại về miền Tây Nam Bộ đánh mật hoa chôm chôm, hoa xoài… Giữa mùa hè, tìm rừng hoa dại và ngược ra vùng Hải Hưng, Quảng Trị đánh mật hoa vải, nhãn lồng, bạc hà, keo lai. Sau đó lại ngược lên vùng Tây Bắc đánh mật hoa rừng. Đến tháng 3 lại quay trở lại Tây Nguyên đánh mật hoa cà phê…”.
Làm việc suốt ngày và phải đi tới nhiều đã vất vả thì việc di chuyển đàn ong còn vất vả gấp bội. Muốn an toàn cho đàn ong, người nuôi ong phải di chuyển bằng ôtô. Thường thì 2 hoặc 3 chủ ong sẽ tập hợp lại rồi đi cùng nhau, phải chuyển ong vào ban đêm, khi ong về tổ rồi mới xếp lên xe; động tác phải khéo léo để không làm đảo lộn sinh hoạt của ong… “Đã theo nghiệp đánh mật tụi tui phải theo ong, chứ không phải ong theo người nuôi. Không ít người nản chí bỏ ngang khi gặp thất bại liên tiếp do thời tiết, khí hậu như: đang đánh mật gặp trời mưa bất chợt; ong bị bệnh chết... Niềm vui là những lúc đang quay mật có du khách tìm đến, đặt mua tại chỗ, như có lần chúng tôi quay mật ở Tây Bắc, gặp đoàn khách du lịch Đài Loan đang tham quan rồi đặt mua tại chỗ với những lời khen về chất lượng mật ong làm chúng tôi quên hết mệt mỏi…”, anh Chuyền chia sẻ.
Nhìn những giọt mật ngọt lịm đang chảy vào thùng quay, mải miết nhìn những chú ong thi nhau bay đi tìm mật và lặng nhìn những động tác cẩn thận, tỉ mẩn của người quay mật mới thấy quý từng giọt mật ong, trân trọng công sức của những người mang mật ngọt cho đời...
Nguyễn Hoàng
Ý kiến bạn đọc