Multimedia Đọc Báo in

Tích lũy vốn hữu hiệu nhờ chăn nuôi đại gia súc

17:35, 26/04/2017

Tận dụng lợi thế của địa phương là có nhiều vùng đồi rừng, nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, nhiều nông dân huyện Krông Bông đã phát triển chăn nuôi đại gia súc, xem đây là cách tích lũy hữu hiệu.

Với nhiều hộ nông dân, dùng nguồn vốn tích lũy để phát triển chăn nuôi đại gia súc không những góp phần bảo toàn vốn khá hữu hiệu mà còn làm cho hệ số quay vòng vốn được nhân lên.

Trước đây, khi cây đậu cove trắng được giá, gia đình ông Y Tớ Byă và nhiều hộ khác ở buôn Tliêr (xã Hòa Phong) có lãi vài chục triệu đồng mỗi héc-ta đậu. Không giống nhiều hộ dùng tiền lãi xây nhà, mua sắm máy móc sản xuất, gia đình ông Y Tớ đầu tư toàn bộ số tiền lãi để mua trâu, bò về nuôi. Nhờ vậy, từ 4 con bò, đến nay gia đình ông đã có đàn trâu bò trên 60 con, chưa kể số trâu bò đã được bán lấy tiền mua sắm phương tiện sản xuất và xây nhà. Tính theo thời giá hiện tại, đàn trâu bò của gia đình ông Y Tớ trị giá hơn nửa tỷ đồng.

nnnn
Đàn trâu bò của gia đình ông Y Tớ Byă (buôn Tliêr, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông).

Tương tự, ông Trần Xuân Hải (thôn 11, xã Hòa Lễ) cũng xác định chăn nuôi đại gia súc là cách tốt nhất để bảo toàn và phát triển nguồn vốn lại ít bị rủi ro. Ông đã bàn bạc với vợ mua một cặp bò về nuôi, thời gian đầu ông chăn thả tự nhiên nhưng sau khi đàn bò phát triển, ông đã sử dụng 5 sào đất để trồng cỏ kết hợp với làm chuồng nuôi vỗ béo. Đến nay, gia đình ông Hải đã có đàn trâu, bò lên đến 20 con. Gia đình ông Lỡ Rập (thôn 1, xã Hòa Lễ) cũng tận dụng rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch tại các cánh đồng ruộng nước 2 vụ và những đồng cỏ rộng tại địa phương để nuôi trâu. Vì vậy, tiền lãi sau mỗi vụ thu hoạch lại được ông đầu tư vào phát triển đàn trâu. Đến nay, gia đình ông đã có đàn trâu ổn định 9 con.

Theo ông Y Blim Niê, Trưởng buôn Tliêr cho biết, xem trâu bò là “của cải để dành” nên đồng bào trong buôn quan tâm đến việc gây đàn, phát triển các đàn gia súc. Nhờ vậy, đàn trâu bò trong buôn tăng rất nhanh. Hiện cả buôn có 162 hộ nhưng có tới 1.203 con trâu, bò. Bình quân mỗi hộ có 7 con, nhiều gia đình có hàng chục con trở lên… Đời sống của bà con do đó được cải thiện đáng kể.

Thiết nghĩ, để chăn nuôi đại gia súc trở thành một kênh tích lũy vốn tái sản xuất hữu hiệu cho người nông dân, chính quyền các địa phương, các đoàn thể, nhất là hội nông dân, các khuyến nông viên cấp xã cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi như dự trữ thức ăn qua mùa mưa; áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo cho bò; kết hợp giữa chăn nuôi thâm canh với chăn nuôi bán chăn thả ở các vùng đồi rừng…đồng thời có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chăn nuôi đại gia súc.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.