Xăng E5 vẫn khó phổ biến, vì sao?
Hơn 2 năm vẫn chỉ 10 cửa hàng bán xăng E5
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ cuối năm 2015, UBND tỉnh đã sớm xây dựng kế hoạch đưa xăng E5 vào phân phối trên địa bàn theo một lộ trình như sau: từ ngày 1-12-2015, xăng E5 được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ, tiếp đến là xăng E10 sẽ được bắt đầu từ 1-12-2017. Việc đưa xăng sinh học vào sử dụng trên địa bàn để thay thế xăng khoáng là rất cần thiết, nhằm góp phần giảm thiểu tác hại gây ra cho môi trường.
Mục tiêu đặt ra là thế, nhưng đến nay, làm thế nào để phổ biến tiêu thụ xăng E5 là một thách thức không nhỏ đối với ngành kinh doanh xăng dầu của địa phương. Bắt đầu từ tháng 12-2015, xăng E5 đã có mặt trên thị trường Đắk Lắk, đến tháng 3-2016, toàn tỉnh có 3 DN thực hiện phân phối loại xăng này là Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên, Công ty Xăng dầu Quân đội khu vực 3 và Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí Vũng Tàu. Và theo thống kê, mới chỉ có 10 cửa hàng bán xăng E5, bằng 2,17% so với tổng cộng 460 cửa hàng xăng dầu toàn tỉnh, sản lượng tiêu thụ bình quân 110-150 m3/cửa hàng/tháng.
Điểm bán xăng E5 của Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Theo một số DN đầu mối, để phát triển mạng lưới xăng sinh học, DN đã bỏ ra một khoản vốn không hề nhỏ mà không tính đến lợi nhuận để tự đầu tư bồn, bể chứa, trụ bơm… đưa xăng sinh học E5 vào phân phối, nhưng kết quả vẫn không như mong đợi. Anh Vương Quốc Việt, Trạm trưởng Trạm Xăng dầu số 48, Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột (Công ty xăng dầu Quân đội khu vực 3) cho biết, đến thời điểm hiện tại, người dân vẫn chưa hiểu hết mặt tích cực của xăng E5 khiến sản lượng tiêu thụ tại cửa hàng rất chậm. Còn theo Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên, sản lượng xăng E5 bán ra 3 tháng đầu năm 2017 chỉ đạt trên 1,2 triệu lít, bằng 92% so với cùng kỳ năm ngoái.
Liên quan đến xăng sinh học, mới đây nhất, Bộ Công thương đã đề xuất với Chính phủ cần có chính sách thuế riêng để giảm giá xăng E5. Cũng trong đề xuất này, Bộ kiến nghị, kể từ ngày 1-1-2018 hoàn thành việc thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92 bằng xăng E5 trên toàn quốc. |
Đối với các DN tư nhân, việc chậm triển khai đưa vào phân phối xăng E5 cũng có nhiều lý do, trở ngại riêng. Vấn đề chi phí, giá, thói quen của người tiêu dùng… là những thách thức khiến họ chậm triển khai bán loại nhiên liệu này. Đó là chưa kể, việc kinh doanh xăng E5 khác với xăng truyền thống do đòi hỏi phải khắt khe hơn trong bảo quản, lợi nhuận lại bị sụt giảm hơn…
Cần có cơ chế riêng để hấp dẫn người mua
Trên thực tế, xăng E5 đem lại nhiều lợi ích thiết thực, rõ nhất là thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng biết điều này. Một nhân viên bán xăng tại Trạm xăng dầu số 48 cho hay, xăng E5 vẫn còn khá xa lạ với nhiều người, thậm chí, không ít chủ xe ôtô, mô tô còn thẳng thắn từ chối dùng xăng E5 khi vào trạm đổ xăng.
Một trong những nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là do công tác tuyên truyền của cơ quan chức năng và đơn vị kinh doanh xăng sinh học đến người dân chưa sâu, chưa đủ để tác động đến ý thức, thói quen tiêu dùng của họ khiến số đông khách hàng còn e dè không dám chọn mua.
Ngoài ra, theo một số DN đầu mối thì giá chệnh lệch giữa xăng khoáng và xăng E5 không nhiều nên không đủ để hấp dẫn người mua. Vì thế, cơ quan chức năng cần tính toán lại giá xăng E5 bán ra sao cho có lợi nhất đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nên chăng Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ DN, nhất là những đơn vị tư nhân về chi phí ban đầu để DN chủ động, sẵn sàng triển khai bán xăng sinh học.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc