Multimedia Đọc Báo in

Bao giờ nông dân bớt khổ vì thiếu thông tin thị trường?

15:44, 07/05/2017

Thời gian qua, nông dân nhiều nơi phải điêu đứng vì giá các sản phẩm mà họ làm ra xuống thấp. Nguyên nhân không mới. Đó là do thiếu thông tin, thị trường phụ thuộc, sự hỗ trợ của Nhà nước chưa đủ mạnh…

Tại Đắk Lắk, giá heo hơi liên tục hạ và xuống thấp dưới giá thành sản xuất đã đẩy nhiều người chăn nuôi đến “bờ vực” phá sản. Theo tìm hiểu, những người chăn nuôi heo ở Đắk Lắk chủ yếu dùng để xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Khi việc xuất khẩu suôn sẻ, giá heo hơi tăng mạnh đã kích thích nhiều người đầu tư vào chăn nuôi. Đến khi thương lái Trung Quốc ngưng nhập khẩu heo từ Việt Nam, lập tức giá xuống thấp, người chăn nuôi không kịp trở tay.

Ở nhiều địa phương khác, một thời gian dài rộ lên phong trào trồng chuối khi loại cây trồng này mang lại giá trị kinh tế cao. Rồi đến nay lại xảy ra tình trạng giá chuối “rẻ như cho” do thương lái không thu mua nữa. Từ một sản phẩm xuất khẩu, nay chuối chất đầy vườn, nhiều nông dân trồng chuối chỉ còn biết mang đi cho gia súc ăn hoặc đổ bỏ khi chuối đã “quá lứa lỡ thì”.

Có thể thấy hai sự việc trên đều có kịch bản na ná như nhau. Đó là câu chuyện sản xuất cứ chạy theo phong trào rồi sau đó ôm quả đắng. Hậu quả  nhãn tiền ai cũng thấy được. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là kịch bản này không có gì mới lạ. Rất nhiều bài học từ dưa hấu, mủ cao su, vải thiều… người nông dân đã trải qua, nhưng dường như không phải ai cũng rút ra được kinh nghiệm cho mình.

Người nông dân vì cái lợi trước mắt, không đủ bình tĩnh để suy tính thiệt hơn đã đành, nhưng ở đây cũng phải đặt dấu hỏi về vai trò của các cơ  quan có thẩm quyền. Sản xuất hàng hóa thì thị trường là yếu tố mang tính quyết định. Không có thị trường ổn định, việc sản xuất hàng hóa luôn trong tình trạng bấp bênh. Hằng năm, Nhà nước cũng đã bỏ ra số tiền không nhỏ để các ngành chuyên môn nghiên cứu, tìm kiếm thị trường. Nhưng thử hỏi đến nay đã có đánh giá nào về hiệu quả của công việc này? Bên cạnh đó,  một công tác khác rất quan trọng là dự báo xu hướng thị trường để đưa ra những khuyến cáo kịp thời cho người nông dân cũng chưa thực hiện được. Chưa hết, thay vì “chạy theo” hỗ trợ nông dân mỗi khi có sự cố thị trường, tại sao không tăng thêm “đầu ra” bằng cách dùng số tiền ấy để phát triển công nghệ bảo quản, chế biến, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất?          

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chắc địa bàn, xây dựng cơ sở vững mạnh sau khi không tổ chức Công an cấp huyện
Từ 1/3, Tổ chức bộ máy của Công an tỉnh Đắk Lắk được sắp xếp, tinh gọn thành 2 cấp (Công an cấp tỉnh và Công an cấp xã). Tiếp nhận thêm nhiều nhiệm vụ mới, cán bộ, chiến sĩ công an các xã nhanh chóng bắt tay, nỗ lực thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ để không ngắt quãng, bỏ trống địa bàn, giữ vững an ninh trật tự, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.