Multimedia Đọc Báo in

Cần giải pháp để "cứu" đê bao Quảng Điền

15:21, 15/05/2017

Được đưa vào sử dụng chưa lâu, hệ thống đê bao Quảng Điền (huyện Krông Ana) đã bị sạt lở một số vị trí, ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất của người dân khu vực dự án.

Dự án đầu tư xây dựng công trình chống sạt lở hệ thống đê bao Quảng Điền được phê duyệt tại Quyết định số 979/QĐ-UBND, ngày 22-4-2009 của UBND tỉnh, với mục tiêu kiên cố hóa toàn bộ các tuyến đê bao và bờ bao, nhằm giảm thiểu việc duy tu hằng năm, hạn chế sự phá hoại của mưa lũ, ổn định sản xuất và giao thông trong vùng. Đây là công trình thủy lợi cấp IV, do UBND huyện Krông Ana làm chủ đầu tư. Hệ thống đê bao Quảng Điền có chiều dài gần 45 km, rộng 3 mét và tuyến giao thông nằm trong vùng dự án dài 13 km, đi qua các xã: Bình Hòa, Dur Kmăl và Quảng Điền. Theo thiết kế, những đoạn đê bao, bờ bao bị xói lở mạnh hoặc bị vỡ được đắp trả lại mặt cắt thiết kế cũ, sau đó gia cố mái phía sông bằng đá lát khan đặt trên lớp vải bọc, khóa đỉnh mái bằng đá xây, chân được gia cố bằng rọ đá; toàn bộ tuyến đê bao được kết hợp làm đường giao thông nội vùng rộng 3 mét, kết cấu mặt đường bê tông, phù hợp với điều kiện nước tràn qua khi lũ chính vụ. Công trình này được chia thành 5 gói thầu, trong đó, gói thầu số 1 hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2012, các gói 2,3,4 hoàn thành năm 2014, còn lại gói số 5 đang làm thủ tục quyết toán công trình.

Mái ta luy đê bao đoạn qua xã Quảng Điền bị sụt lún.
Mái ta luy đê bao đoạn qua xã Quảng Điền bị sụt lún.

Công trình này hoàn thành đã góp phần bảo vệ khoảng 2.000 ha lúa nước, ổn định đời sống, hoạt động sản xuất cho hơn 1.800 hộ dân, với 9.000 nhân khẩu, đây còn là tuyến giao thông huyết mạch phục vụ việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân trong vùng dự án.

Mấy năm gần đây, tình hình lũ diễn biến phức tạp khiến một số đoạn trên dọc tuyến đê bao đã bị sạt lở, mặt đường bị rạn nứt. Đặc biệt, trong đợt mưa lũ kéo dài vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12-2016, toàn bộ gần 45 km đê bao bị nhấn chìm trong nước, kéo theo nhiều diện tích hoa màu, nhà cửa và khu vực nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi của người dân bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Một đoạn mương nước dọc đê bao bị sạt lở xuống chân ruộng.
Một đoạn mương nước dọc đê bao bị sạt lở xuống chân ruộng.

Quan sát tại các vị trí sạt lở cho thấy, một số đoạn, toàn bộ mái ta luy đã bị bong tróc, các tấm bê tông xi măng đổ xuống chân ruộng; thành mương nước cũng bị vỡ thành nhiều mảnh, không có tác dụng tiêu, thoát nước. Theo thống kê, tại xã Dur Kmăl, các vị trí có nguy cơ sạt lở cao gồm: tại 3 cống tiêu C8, C9 và C10, mặt đê đều có biểu hiện lún cục bộ; tại trạm bơm T76, khoảng hơn 100 mét mặt đê bị bong tróc bê tông, làm trơ đá (1x2). Tương tự, tại xã Quảng Điền, có 4 điểm bị sạt lở gồm: khu bàu Lạnh sụt ta luy dài 10 mét; khu vực gần trạm bơm T21 bị sạt lở kênh mương bê tông dài 250 mét, một số đoạn bị tụt đất; đoạn từ thôn 1 đến bàu Gai nứt giữa đê, chiều dài khoảng 350 mét; đoạn bàu Hít bị sạt lở ta luy dài 140 mét.

Theo Quyết định số 2816/QĐ-UBND, ngày 31-12-2013 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung chi phí nhân công vào tổng mức đầu tự dự án chống sạt lở hệ thống đê bao Quảng Điền, tổng mức đầu tư dự án này gần 312,8 tỷ đồng.

Ngoài tác động của mưa lũ, hoạt động khai thác cát diễn ra trong thời gian dài, nhất là khu vực thôn Buôn Triết (xã Dur Kmăl) là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến tình trạng sạt lở đê bao. Theo phản ánh của người dân địa phương, trước đây, hoạt động khai thác cát diễn ra hằng ngày, kéo theo đó, mỗi ngày có hàng chục lượt xe tải trọng nặng lưu thông trên mặt đê, làm ảnh hưởng đến kết cấu đường giao thông trên đê. Được biết, theo thiết kế, tải trọng cho phép của đường giao thông của công trình này là 6 tấn, nhưng hằng ngày các xe tải chở cát lưu thông qua có tải trọng gấp từ 2 đến 3 lần.

Tình hình khai thác cát ở khu vực này cũng là nguyên nhân tác động làm thay đổi dòng chảy của sông, ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu chân đê, khiến tình trạng sạt lở càng trở nên nghiêm trọng, nhất là sau mùa mưa lũ. Theo thống kê của Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Krông Ana, trên địa bàn huyện có 7 đơn vị khai thác cát, trong đó, dọc đê bao Quảng Điền có doanh nghiệp tư nhân vật liệu xây dựng Sông Núi hoạt động tại khu vực thôn Buôn Triết, xã Dur Kmăl. Sau khi nhận được phản ánh, kiến nghị của người dân thôn Buôn Triết (xã Dur Kmăl), huyện đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế hiện trường, qua đó lập biên bản, buộc doanh nghiệp bàn giao mặt bằng tập kết cát cho địa phương quản lý, đồng thời tiến hành cắm mốc cảnh báo nguy cơ sạt lở ở 6 vị trí trên đê bao đoạn qua xã Dur Kmăl.

Tình trạng trên đây đòi hỏi cơ quan chức năng có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng xe tải trọng nặng, chấm dứt mọi hoạt động khai thác cát khu vực đê bao, đồng thời sớm phân bố kinh phí sửa chữa các vị trí hư hỏng, sạt lở để bảo vệ hoa màu, tài sản và bảo đảm an toàn cho người dân vùng dự án trước khi mùa mưa lũ đến.    

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc