Chống thất thu thuế kinh doanh lưu động còn nhiều khó khăn
Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh lưu động đang ngày càng trở nên phổ biến, nhất là tại các địa bàn vùng sâu vùng xa. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu mua bán, lưu thông hàng hóa, hình thức kinh doanh này cũng phát sinh những bất cập nhất định.
Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của hình thức kinh doanh lưu động là hàng hóa được người đi buôn chở trên các phương tiện như xe gắn máy, ôtô tải nhỏ… từ TP. Buôn Ma Thuột hoặc các tỉnh thành khác đến các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, để bán lại cho các cơ sở kinh doanh nhỏ hoặc có thể bày bán ở bất cứ nơi nào thuận tiện. Hàng hóa giao dịch có đủ chủng loại, từ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như quần áo, giày dép, xoong nồi… đến những mặt hàng cao cấp hơn như sữa trẻ em nhập khẩu, đồ điện tử gia dụng… Với hình thức kinh doanh như vậy, các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, thuế… rất khó quản lý từ chất lượng, xuất xứ hàng hóa đến các khoản thuế phát sinh.
Theo một cán bộ ngành Thuế, trong các đợt khảo sát để tìm phương án chống thất thu đối với loại hình kinh doanh lưu động, hầu hết đối tượng kinh doanh này không đáp ứng được các yêu cầu thủ tục cần thiết như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế với cơ quan thuế để được cấp mã số thuế và các loại thuế phải nộp như môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân...
Nếu không quản lý thuế được những người kinh doanh lưu động, những người buôn bán cố định khó cạnh tranh được về giá cả, ảnh hưởng đến doanh thu của họ, dẫn đến ảnh hưởng số thu của ngân sách. |
Trong khi đó, theo ước tính của ngành Thuế, mỗi đối tượng kinh doanh như vậy sẽ phát sinh nghĩa vụ thuế từ 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng/tháng, tùy ngành hàng. Chẳng hạn, tại địa bàn huyện Cư Kuin, qua khảo sát của ngành Thuế, trung bình mỗi tháng có trên 30 xe mua bán hàng hóa lưu động hoạt động. Nếu quản lý được số xe này, trung bình mỗi năm ngân sách huyện sẽ thu về gần 400 triệu đồng thuế vãng lai. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cư Kuin Lê Hồng Phú, mặc dù số thu phát sinh có thể không lớn, nhưng rất cần đưa hình thức kinh doanh này vào quản lý để bảo đảm kỷ cương pháp luật về thuế và quan trọng hơn là bảo đảm công bằng cho những người kinh doanh cố định đang thực hiện tốt nghĩa vụ thuế của mình.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là hình thức kinh doanh này luôn chuyển dịch địa bàn, trong khi lực lượng thực thi công vụ và phương tiện ngành Thuế hiện rất mỏng nên không thể kiểm tra, giám sát thường xuyên được. Tại huyện Cư Kuin, từ đầu năm 2017 UBND huyện đã thành lập đoàn liên ngành (gồm công an kinh tế, công an giao thông, quản lý thị trường… với ngành Thuế làm chủ công) nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lưu động, nhưng đến nay đoàn này vẫn chưa thể đi vào hoạt động do… không có xe (!).
Tại các địa phương khác, mặc dù chưa thành lập được các đoàn kiểm tra liên ngành, nhưng qua nắm bắt thực tế, nhất là sự sụt giảm doanh thu tại các chợ truyền thống cũng đã có những thống kê ban đầu về tình trạng thất thu và những hệ lụy của hình thức kinh doanh lưu động. Một cán bộ thuế huyện Ea Kar thẳng thắn cho rằng, nếu không quản lý được đội ngũ kinh doanh lưu động, chợ truyền thống sẽ phải đóng cửa. Có thể thấy, kinh doanh lưu động là hình thức kinh doanh đáp ứng nhu cầu thực tế, nhưng cần sớm có giải pháp để hoạt động này đi vào quy củ trong thời gian sớm nhất.
Quốc Anh
Ý kiến bạn đọc