Multimedia Đọc Báo in

Công nghiệp chế tạo: Thiếu nhân lực chất lượng cao

11:00, 19/05/2017

Những năm gần đây, ngành công nghiệp chế tạo đã có bước phát triển mạnh, hầu hết các quy trình sản xuất đã được cơ giới hóa, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng nhu cầu vận hành sản xuất của doanh nghiệp.

Năm 2015, HTX Bình An, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo đã cơ giới hóa sản xuất mộc mỹ nghệ bằng cách đưa vào sử dụng dây chuyền máy khắc CNC, nhờ đó đã giảm được số lượng lao động thủ công và tiến độ sản xuất tăng lên; sản xuất được các sản phẩm đòi hỏi sự phức tạp, tinh xảo và độ chính xác cao. Tuy nhiên, do hạn chế về nhân lực, nên để khai thác hiệu quả công năng của máy, HTX gặp rất nhiều khó khăn. Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc HTX cho biết, do công nhân đa phần là lao động thủ công, đơn vị phải cử một số thợ giỏi đi học cách điều khiển, vận hành hệ thống máy, các công nhân còn lại phải vừa học vừa làm. Tương tự, Nhà máy sản xuất bồn inox Tín Thành, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, công suất 1.500 cái/tháng, sử dụng 20 nhân công với thu nhập 4 – 6 triệu đồng/người/tháng, nhưng chủ yếu là lao động tại địa phương, làm thủ công, không qua đào tạo nghề. Để vận hành hệ thống máy, chủ cơ sở phải thuê kỹ sư từ nơi khác về, dẫn đến nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất và ổn định lao động.

Cơ sở luyện đúc gang theo công nghệ lò trung tần tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Đắc Hải.
Cơ sở luyện đúc gang theo công nghệ lò trung tần tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Đắc Hải.

Cơ khí là một trong những lĩnh vực có thế mạnh trong sản xuất công nghiệp của địa phương với 300 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, nhiều công nghệ hiện đại được ứng dụng như lò trung tần trong đúc gang, công nghệ đốt FLOX phối hợp nhiệt phân trong máy sấy cà phê… Tuy nhiên, nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này đang gặp khó khăn về nhân lực trình độ cao, cụ thể, trong số hơn 8.000 lao động thì đa phần là thợ thủ công, đội ngũ kỹ sư, thợ bậc cao không nhiều. Do đó, những linh kiện, thiết bị đòi hỏi tính chính xác cao, thiết kế phức tạp chỉ có những chuyên gia đầu ngành mới đảm đương được. Ông Nguyễn Văn Phan, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí Đắk Lắk cho biết, khả năng sáng tạo chưa cao của công nhân, kỹ sư là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm trễ chuyển từ gia công, lắp ráp sang trình độ chế tạo. Điều này khiến ngành cơ khí đang đối mặt với tình trạng già hóa nhân lực trong sản xuất, kinh doanh và chưa thể đạt đến trình độ tự động hóa ở mức cao.

Theo đánh giá của ông Dương Thanh Tương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đa phần cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng nông thôn có quy mô nhỏ, công nghệ kém hiện đại, trình độ cán bộ kỹ thuật, tay nghề công nhân còn hạn chế. Do đó, quá trình đổi mới công nghệ gặp nhiều khó khăn vì thiếu người vận hành, điều khiển những dây chuyền hiện đại. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhiều đơn vị đã đưa công nhân đi đào tạo, nâng cao tay nghề, tuy nhiên, bên cạnh thiếu vốn thì khó khăn lớn là nhân lực tại địa phương chủ yếu là lao động phổ thông, khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại còn thấp, lúng túng với các thao tác. Để giải quyết tình trạng này, công tác dạy nghề tại địa phương cần phải được chú trọng, trong đó, tập trung vào các ngành, nghề đang “khát” nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Thực tế, trên địa bàn tỉnh đã có một số cơ sở đào tạo nghề lâu năm như: Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk, Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên... Tuy nhiên, số lượng công nhân, kỹ sư có trình độ cao vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Vấn đề quan trọng nhất là cần kết nối doanh nghiệp với lao động đã qua đào tạo nghề trên cơ sở hài hòa cung – cầu, tránh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”; đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho thanh niên yên tâm học các ngành đặc thù về cơ khí, chế tạo có thế mạnh ở địa phương. Về phía doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn về nhân lực, một số đơn vị đã trả lương cao nhằm thu hút công nhân, kỹ sư được đào tạo ở nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản... thông qua chương trình tu nghiệp sinh và xuất khẩu lao động.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.