Multimedia Đọc Báo in

Dự án quy hoạch khu dân cư xã Ea Knuêk: Người dân mong chờ sớm triển khai xây dựng

08:32, 05/05/2017

Dự án quy hoạch xây dựng khu dân cư xã Ea Knuêk đã được UBND huyện Krông Pắc phê duyệt từ năm 2011 nhưng đến nay dự án vẫn “treo”, khiến người dân bức xúc.

Theo tìm hiểu, dự án quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/500 khu dân cư thuộc xã Ea Knuêk được UBND huyện Krông Pắc phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 4329/QĐ-UBND ngày 18-7-2011 và Quyết định số 6465/QĐ-UBND ngày 15-12-2011 với tổng diện tích hơn 160,4 ha gồm: đất phân lô, đất công trình công cộng và đất giao thông. Dự án do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh làm chủ đầu tư, trực tiếp quản lý xây dựng với tổng kinh phí là 86 tỷ đồng. Trong giai đoạn đầu dự án sẽ tập trung xây dựng hệ thống các tuyến đường nội bộ, điện chiếu sáng cho khu dân cư, hệ thống thoát nước, xác định chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng các trục đường giao thông để quản lý…

Được biết, có 15,7 ha đất bị thu hồi thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê - Ca cao Tháng 10, với 77 hộ dân và 2 tổ chức bị ảnh hưởng. Sau khi bị thu hồi đất và nhận tiền bồi thường, hỗ trợ thì có 41 hộ dân không có chỗ ở nào khác sẽ được bố trí nơi ở mới tại khu tái định cư hoặc được ưu tiên mua đất tại khu vực bán đấu giá. Nhưng đã gần 6 năm trôi qua, dự án vẫn chưa được triển khai xây dựng, khiến người dân rơi vào cảnh “đi không được, ở không xong”.

Người dân vùng dự án phải sống trong những ngôi nhà đã xuống cấp,  hư hỏng nặng.
Người dân vùng dự án phải sống trong những ngôi nhà đã xuống cấp, hư hỏng nặng.

Hiện, hầu hết các hộ dân đang sống trong những căn nhà cũ kỹ, tạm bợ rộng chỉ vài chục mét vuông. Nhiều gia đình có đến 3 thế hệ cùng sinh sống nên rất chật chội và bất tiện. Có những ngôi nhà tường đã bị bong tróc, xuất hiện nhiều vết nứt có dấu hiệu bị đổ nghiêng, mái nhà được lợp bằng những tấm tôn chắp vá khiến người dân luôn sống trong tâm trạng lo sợ vì nhà có thể sập bất cứ lúc nào.

Nằm trong diện bị thu hồi đất, gia đình anh Lương Văn Phú (thôn Tân Bình) đã nhận 84 triệu đồng tiền bồi thường, hỗ trợ về nhà ở từ năm 2011, thế nhưng từ đó đến nay gia đình anh cũng như nhiều hộ dân khác vẫn chưa được bố trí nơi ở mới. Vợ chồng anh và 2 đứa con vẫn phải ở trong căn nhà rộng chưa đầy 40 m2 với hơn nửa diện tích ngôi nhà đã được tận dụng làm nơi buôn bán, mùa mưa thì ẩm thấp, mùa nắng thì nóng nực. “Họ hứa hẹn sau khi phân lô sẽ ưu tiên cho gia đình tôi mua đất để ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn nhưng không hiểu lý do vì sao đến tận bây giờ vẫn chưa thấy dự án được xây dựng. Trong các cuộc họp hay tiếp xúc cử tri bà con cũng đã ý kiến rất nhiều về vấn đề này nhưng vẫn chưa thấy có tiến triển gì”, ông Phú than thở.

Ông Dương Xuân Hợi, Trưởng phòng Quản lý và Phát triển quỹ đất - Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh cho biết: “Chúng tôi cũng rất chia sẻ với những khó khăn của bà con, nhưng phải đến khi dự án được xây dựng, cơ sở hạ tầng được hoàn thiện thì mới có thể giao đất cho người dân”. Cũng theo ông Hợi, trong quá trình triển khai thực hiện dự án từ năm 2012 đến nay, nhất là tại thời điểm năm 2013-2014 giá đất giảm mạnh nên khả năng thu hồi vốn và hiệu quả đầu tư thấp, trong khi nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh hạn hẹp nên UBND tỉnh đề nghị tạm dừng thực hiện dự án. Từ tháng 6-2016 Trung tâm đã đề xuất với UBND tỉnh đầu tư dự án theo hình thức hợp tác công tư, hiện đang trong giai đoạn kêu gọi. Trong trường hợp không kêu gọi được nhà đầu tư thì Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ đứng ra vay vốn của Quỹ Đầu tư phát triển Đắk Lắk để triển khai thực hiện dự án theo từng giai đoạn.

Thiết nghĩ, chủ đầu tư sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, bố trí nơi ở mới để người dân sớm ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.