Multimedia Đọc Báo in

Ea Sar thay đổi "cách nghĩ, cách làm" để phát triển kinh tế

14:58, 26/05/2017

Xã Ea Sar (huyện Ea Kar) có diện tích tự nhiên 5.639 ha với 2.081 hộ gồm 15 dân tộc anh em cùng sinh sống. Thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp với cây trồng chủ lực là lúa, sắn, cà phê và mía.

Năm 2016, nông dân xã Ea Sar gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết bất thường: nắng hạn kéo dài, mưa muộn dẫn đến năng suất các loại cây trồng đạt thấp, một số diện tích cây trồng như: lúa, ngô, đậu, sắn bị mất trắng về cuối năm do mưa kéo dài, nhiều diện tích hồ tiêu bị chết vì ngập úng, giá cả chăn nuôi không ổn định.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp

Trước những khó khăn trên, Ea Sar đã tìm cách vượt qua bằng những thay đổi trong cả cách nghĩ, cách làm. Chính quyền xã xác định và lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu, trình độ sản xuất của người dân để vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tận dụng được những lợi thế của địa phương, nâng cao thu nhập. Chính quyền địa phương đã mạnh dạn đầu tư kinh phí xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi làm cơ sở khảo nghiệm đánh giá hiệu quả trước khi tuyên truyền, nhân rộng cho bà con. Nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng bước đầu cho hiệu quả tích cực như: mô hình trồng vải thiều với tổng diện tích 45 ha, trong đó có 10 ha đã cho thu hoạch, còn lại đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản; mô hình trồng bơ Booth, chanh dây, nuôi heo giống bản địa Tây Nguyên hướng thịt…

Đối với chăn nuôi, xã Ea Sar chỉ đạo không tổ chức chăn nuôi nhỏ lẻ mà vận động nhân dân đầu tư tập trung theo tổ hợp tác hoặc quy mô gia trại, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện nay, xã đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung với mật độ cao 100 ha tại buôn Sê Đăng, khu vực chân đồi Chư Blem và ưu tiên phát triển nuôi heo bản địa, phấn đấu đến năm 2017 đạt 100 hộ tham gia, số heo xuất đi đạt 40 tấn trị giá 4 tỷ đồng và các năm tiếp theo ổn định từ 50-100 tấn, hướng đến thành lập Hợp tác xã nuôi heo bản địa trên địa bàn xã.

Thu hút đầu tư           

Nhận thức được tầm quan trọng của việc kết nối giữa chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trong việc định hướng hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương, giải quyết bài toán đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, xã Ea Sar đã có chính sách ưu đãi về cơ sở hạ tầng, an ninh trật tự, quy hoạch nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đến đầu tư mở doanh nghiệp trồng hồ tiêu, cây ăn trái và xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc với quy mô trang trại lớn 25-30 tỷ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn xã Ea Sar có các doanh nghiệp hoạt động thường xuyên và có hiệu quả, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương như: Công ty cổ phần Mía đường 333, Công ty cổ phần Lương thực vật tư Đắk Lắk, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, Nhà máy chế biến tinh bột sắn và Nhà máy khai thác khoáng sản PensFat. Xã đang hướng tới mục tiêu tập trung sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, thực hiện đồng bộ các khâu trong tổ chức sản xuất để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu ổn định cho các nhà máy.

Để sản xuất nông nghiệp của địa phương có nhiều khởi sắc và mang tính bền vững, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương xã Ea Sar tiếp tục nghiên cứu, xác định các loại cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng; mở rộng diện tích cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; làm tốt công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; tập trung vận động, tuyên truyền nông dân tập trung sản xuất các cây trồng chủ lực của địa phương, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu, xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay; khuyến khích bà con dồn điền đổi thửa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất…

Hoàng Liên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.