Multimedia Đọc Báo in

Gỡ khó cho doanh nghiệp tái canh cà phê

08:38, 21/05/2017

Theo số liệu của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 203 nghìn ha cà phê, trong đó có gần 28 nghìn ha đã già cỗi, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém cần tái canh.

Đáng chú ý là có khoảng 10% diện tích cà phê do các doanh nghiệp (DN) quản lý, tập trung thành vùng chuyên canh, nhưng hầu hết lại được trồng từ những năm 80 của thế kỷ trước nên cần sớm tái canh.

Hầu hết các DN đều nhận thức được sự cần thiết phải thực hiện tái canh cà phê và cũng đã có những hành động cụ thể để thực hiện vấn đề này. Tuy nhiên, ngoài những khó khăn về quy trình liên quan đến kỹ thuật, khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là vấn đề vốn đầu tư. Trong đó, “nút thắt” lớn nhất hiện nay chỉ còn nằm ở tài sản bảo đảm của các DN. Có một thực tế là các DN đang quản lý, khai thác trên diện tích đất rất lớn, nhưng gần như tất cả diện tích đó lại ở dạng đất thuê, thuộc sở hữu Nhà nước nên không được xem là tài sản để bảo đảm các điều kiện vay vốn ngân hàng.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 720 Hà Văn Lạc cho biết, đến nay công ty đã thực hiện tái canh được 90 ha cà phê với tổng vốn đầu tư 7,5 tỷ đồng từ nguồn vốn vay tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Ea Kar (Agribank Ea Kar). Sở dĩ công ty được vay khoản tiền trên là nhờ tài sản bảo đảm từ trụ sở làm việc. Hiện, công ty còn 320 ha cà phê già cỗi cần tiếp tục tái canh, với tổng vốn trên 70 tỷ đồng. Đây là khoản đầu tư rất lớn, nên nếu không có sự hỗ trợ từ phía ngân hàng, đơn vị sẽ không thể thực hiện tái canh. Tuy nhiên, ngoài trụ sở làm việc, sân phơi, hệ thống máy chế biến, công ty chỉ còn vườn cây được xem là tài sản lớn.

Cán bộ tín dụng Agribank Ea Kar kiểm tra vườn cà phê tái canh của Công ty 720.
Cán bộ tín dụng Agribank Ea Kar kiểm tra vườn cà phê tái canh của Công ty 720.

Theo Giám đốc Agribank Ea Kar Hồ Xuân Bửu Tư, đất thuê không phải là tài sản bảo đảm, trong khi đó tài sản trên đất là vườn cây cà phê lại đang trong giai đoạn tái canh nên ngân hàng không thể xem đây là tài sản bảo đảm để cho vay. Tuy nhiên, nếu vườn cây được cơ quan có thẩm quyền như ngành Tài nguyên – Môi trường, Nông nghiệp… xác định và cho phép là tài sản của phía đi vay, thì dù đang trong giai đoạn tái canh, ngân hàng có thể xem đó là tài sản hình thành trong tương lai để xét duyệt cho vay.

Tuy nhiên, trong thực tế, để có cơ sở làm hồ sơ vay vốn, một số DN đã thuê đơn vị thẩm định giá độc lập xác định giá trị vườn cây, nhưng không được những cơ quan chuyên môn trên xác nhận, nên ngân hàng cũng không thể giải quyết cho vay. Vì vậy,  để ngân hàng có cơ sở cho vay tái canh cà phê, các bộ, ngành liên quan như Nông nghiệp, Tài nguyên - Môi trường... cần “ngồi lại” với nhau để xem xét, có phương án công nhận vườn cây là tài sản hợp pháp, thuộc sở hữu của DN vay vốn và tài sản hình thành trong tương lai (ở đây là vườn cà phê tái canh) là tài sản đủ bảo đảm được vay vốn ngân hàng.

Rõ ràng, ở đây DN đang khó, ngân hàng thì sẵn sàng, nhưng để khơi thông nguồn vốn tái canh cà phê, vấn đề còn lại thuộc về trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn liên quan.   

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.